Hai đồng đội cùng đơn vị nay xem nhau như anh em ruột

Về Đá Bạc, bên đồi 30 anh hùng, câu chuyện của hai cựu chiến binh Đoàn Văn Dũng và Đặng Công Bi về những ngày tháng chiến đấu ở nước bạn Campuchia khiến những hậu bối như tôi không khỏi xúc động.

Trở về từ “cõi mơ”

Thời niên thiếu và cho đến trước nhập ngũ, ông Bi và ông Dũng chưa một lần gặp nhau, dù cùng sống ở Phú Lộc. Một người ở Lộc Điền và người còn lại ở Vinh Giang. Ngày hội quân sang chiến đấu ở nước bạn, hai ông tình cờ cùng về một đơn vị. Biết đồng hương, hai người kết bạn và thân thiết như anh em ruột từ đó.

Ông Bi được phân về trung đội trinh sát có nhiệm vụ tiêu diệt những hỏa lực mạnh của địch. Ông Dũng thì được phân về đại đội cơ động, được giao nhiệm vụ tiên phong đánh chốt của địch. Mỗi khi chiếm được chốt địch sẽ giao lại cho sư đoàn tiếp quản và tiếp tục hành quân đi đánh các chốt khác.

Ông Dũng nhớ lại: “Hôm đó, sau một trận quần thảo với địch và lấy được chốt ở tỉnh Xiêm Riệp, trên đường hành quân trở về căn cứ nhận lệnh mới, đại đội bị địch tập kích. Địch bao vây tứ phía, 4 trung đội trưởng lên tiên phong, trong đó có tôi. Khi đang còn “hăng máu”, tôi bị trúng đạn và mìn. Từ lúc đó, tôi không còn nhớ gì nữa”.

Dù quân số ít hơn, nhưng đại đội của ông Dũng vẫn giành thắng lợi. Đồng đội cứ nghĩ ông Dũng đã hy sinh, nên để ông vào túi xác và tiếp tục hành quân. Ông Dũng nằm đó, trong túi ni lông kín một mình giữa trận địa.

Trung đội trinh sát của ông Bi hành quân qua vùng mà đại đội ông Dũng vừa chiến đấu. Hay tin người anh em đã hy sinh, ông Bi cố gắng tìm xác ông Dũng để nhìn mặt lần cuối. Tâm nguyện là thế, song trong những ngày đạn bom ác liệt thì hành quân đánh giặc vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Cơ hội và thời gian để tìm được ông Dũng trong trận địa rộng mênh mông quả là “bất khả thi”.

“Cứ nghĩ trong đầu sẽ không gặp được bạn, đang hành quân thì tôi tình cờ thấy một bao ni lông đang nổi trên mặt nước ruộng. Nghĩ là vật gì đó thôi, đến gần mới thấy một cái túi đang chứa xác. Nghĩ bụng, cứ xem sao nên tôi đã mở ra. Không ngờ, đó là “thằng” Dũng thật. Tôi mừng quá, không biết làm sao. Nghẹn ngào khi thấy bạn vì chỉ nghĩ Dũng đã hy sinh rồi. Nhưng lạ lắm, hai mắt anh ấy cứ mở. Để chắc chắn, tôi kiểm tra thì phát hiện các mạch vẫn còn đập. “Dũng, mi còn sống à!”, khi đó tôi la lên. Tôi và một số đồng đội khác tiến hành cấp cứu cho Dũng. Một lúc sau, thấy mạch của anh ấy đập mạnh hơn”, ông Bi xúc động nhớ lại.

Chặng đường từ chiến trường về TP. Hồ Chí Minh để chữa trị của ông Dũng như hành trình từ cõi chết trở về. Mê man trong những cơn đau nhức, nhiều lúc ông Dũng chỉ muốn chết đi cho nhẹ. Một tháng băng đèo lội suối, những vết thương càng thêm đau đớn và khó chữa trị vì bị dòi “rúc”. Ông Dũng nằm bất tỉnh và không biết gì suốt một tháng ở bệnh viện. Một cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 24 tiếng được triển khai. May mắn đã thành công, ông được cứu sống, dù sau đó phải đi bằng xe lăn và hàng trăm mảnh mìn còn nằm lại trong cơ thể. Trong đó, một viên đạn từ súng bắn tỉa vẫn còn nằm trong phổi ông, chung sống với ông suốt mấy mươi năm qua.

Nghĩa & tình

Đúng một tuần sau ngày cứu bạn thì ông Bi gặp nạn. Khi đó, quân ta mở chiến dịch vào giải phóng Phnôm Pênh. Trên đường hành quân, trung đội của ông gặp địch, đang chiến đấu thì một quả mìn phát nổ. Ông lao người vào một cái hào gần đó. Nhưng không kịp, phần thân xuống dưới hào, đôi chân đã bị trúng mìn. Ông được đồng đội đưa ra khỏi vùng chiến, cũng về TP. Hồ Chí Minh để chữa trị. Trận chiến ấy đã lấy đi đôi chân của ông.

Hai đồng đội cùng đơn vị và giờ cùng điều trị tại một nơi. Hai ngày sau khi làm phẫu thuật chân, trên chiếc xe lăn, ông Bi nhúc nhắc đi tìm người anh em. Đến giường của ông Dũng, ông Bi tiến đến và vỗ liên tục vào má của ông Dũng. “Dũng ơi, tau nè, mi có nghe tau nói không”. Ông Dũng không nói năng gì mà mắt cứ mở trừng trừng. Ông Bi bảo “Tau đã cứu mi chừ mi không thèm nói chuyện tau à” và "lẫy" bỏ đi. Ông Bi giận thật. Mãi khi được y tá thông tin rằng ông Dũng đang “chết lâm sàng”, chưa biết gì thì ông Bi mới hết giận. Ông Dũng nói: “Khi đó, tôi có biết chi mô. Sau này nghe Bi kể lại, hai anh em chỉ biết ôm nhau mà không biết nói gì”.

Vào quân ngũ hai người mới quen nhau, sau ngày rời quân ngũ, như một sự sắp đặt, hai người cùng về định cư tại xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc. Từ đó đến nay, hai người trở thành đôi bạn thân. Mỗi khi rảnh là ông Dũng lại đến nhà ông Bi chơi, hai người cùng nhau trò chuyện, chia sẻ nỗi đau những khi vết thương “trái gió trở trời” và những lúc chợt nhớ về những đồng đội, đồng chí đã nằm xuống.

“Những đồng đội tham gia chiến đấu ngày ấy, nhiều người đã nằm xuống. Nghĩ lại mình dù không lành lặn, nhưng vẫn may mắn và có những người anh em, cùng “chia ngọt sẻ bùi” là quý lắm rồi”, ông Dũng nói.

Chia tay hai cựu chiến binh vào một ngày cuối tháng 7, điều gì có thể lãng quên, nhưng có một điều tôi sẽ hoài nhớ mãi từ những lời tận đáy lòng của những người từng “vào sinh ra tử” ấy: “Không có gì bằng tình người với tình người. Tiền tài, vật chất có thể nhiều, nhưng sẽ không bằng tình cảm, tình đồng chí, đồng đội”.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG