Thời hạn được đặt ra cho việc này là tháng 10 tới. Cũng trong buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt việc Thủ tướng phê bình 13 bộ, ngành, địa phương có vốn giải ngân chậm (dưới 20%).

Thi công trên tuyến đường La Sơn - Túy Loan (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Khánh

Chỉ rõ nguyên nhân chậm trễ trước hết thuộc về các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, các nguyên nhân khác cũng đã được xác định còn có vấn đề về thủ tục, chỉ đạo thi công chậm trễ, năng lực đơn vị tư vấn, chỉ đạo không quyết liệt và có cả đơn vị đã có tiền nhưng không tiêu được do thủ tục, do giải phóng mặt bằng và có những đơn vị do quy trình, giải ngân nhưng lập dự án chậm.

“Thậm chí có đơn vị còn đẩy tiến độ giải ngân lên để ứng vốn nhưng gửi ngân hàng, tăng tỉ lệ giải ngân lên nhưng tiền ấy không vào đầu tư phát triển. Đấy là những ‘’nghệ thuật’’, mẹo không tốt mà Thủ tướng nhắc nhở”, Vietnamnet.vn dẫn lời Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Có rất nhiều vấn đề đã được đặt ra một cách kiên quyết thông qua tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc này như không chấp nhận có tiền, có vốn mà không tiêu được do chỉ đạo chưa quyết liệt; đồng thời sẽ xem xét lại năng lực cán bộ và sẽ xem xét thay thế nếu không đáp ứng được. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành địa phương phải trực tiếp chỉ đạo nếu nguyên nhân là do giải phóng mặt bằng không tốt.

Xem đây là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế, theo tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nếu không có những giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỷ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ tăng cao.

Theo cập nhật mới nhất tính đến 30/6, sau khi được đôn đốc, đã có 6/13 bộ, ngành, địa phương đã đạt tỷ lệ giải ngân vốn trên 20%.

Tại Thừa Thiên Huế, tinh thần kiên quyết này cũng đã được thể hiện thông qua việc thay ban giám đốc mới của Dự án cải thiện môi trường nước thành phố do sự chậm trễ trong thi công, ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như đời sống của người dân.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 5213/UBND-XDKH yêu cầu các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, kịp thời đăng ký thông tin dự án tại Sở Tài chính để được cấp mã số dự án, chuyển dự toán vào hệ thống TABMIS ngay sau khi được bố trí vốn. Đồng thời giao Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch&Đầu tư rà soát, cập nhật các quy định mới về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý dự án xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy định phân công, phân cấp trong quản lý đầu tư công.

Về công tác triển khai, thực hiện và điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2017, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu việc điều chuyển vốn các dự án chậm giải ngân cho thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các dự án hoàn thành thiếu vốn, các dự án cấp thiết đẩy nhanh tiến độ thiếu vốn trong quý 3. Đồng thời, triển khai, thực hiện kế hoạch vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phân bổ.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần đặc biệt quan tâm và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Không tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu khi chưa được bố trí vốn, hoặc tổ chức thi công khối lượng vượt quá số vốn đã được bố trí, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản... Trong công tác thanh toán vốn đầu tư, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm và có liên quan thực hiện rà soát, đối chiếu các dự án chưa giải ngân, hoặc tỷ lệ giải ngân thấp theo danh mục báo cáo Sở Tài chính, tổ chức hoàn thiện các thủ tục, khẩn trương tổ chức giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí và kịp thời thực hiện các thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành.

Không nằm trong danh sách các địa phương bị Thủ tướng Chính phủ phê bình, nhưng đây cũng là những giải pháp để thực hiện tốt thực hiện việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 trên địa bàn.

6 tháng đầu năm, công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn có tỷ lệ 44,7% kế hoạch, trong đó nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 47,6%. Bên cạnh việc ghi nhận nhiều sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã nỗ lực trong việc hoàn tất thủ tục, hồ sơ, triển khai thi công, thanh quyết toán vốn đầu tư... vẫn có một số nguồn vốn tỷ lệ giải ngân thấp và còn 82 dự án giải ngân dưới 50% kế hoạch, trong đó có 56 dự án giải ngân dưới 30%, vốn tạm ứng chưa thu hồi lớn (521.310 triệu đồng), 55 dự án chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành...

Thực hiện tốt việc này cũng là một giải pháp để tháo gỡ một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Minh Hà