Vị luật sư thầm ngạc nhiên khi người đàn ông thành thực kể: “Tôi bị vợ đưa ra tòa ly dị. Vợ tôi đơn phương gửi đơn đến tòa án. Tòa án đã thụ lý đơn và gửi giấy triệu tập tôi đến làm việc. Tôi biết, lỗi là do tôi, lỗi rất nhiều, cô ấy không chịu đựng được nên mới quyết định như vậy, chứ thực lòng cô ấy không muốn tan đàn xẻ nghé. Tôi vô cùng bối rối, không muốn hôn nhân tan vỡ, nên nhờ luật sư tư vấn”.

Theo lời kể của người đàn ông này, vợ chồng anh có 2 con chung. Tài sản là nhà đất do cha mẹ anh để lại, nhưng anh đã nhập tài sản riêng này vào khối tài sản chung của vợ chồng. Từ khi có tài sản thế chấp ngân hàng, vay vốn làm ăn, vợ anh vừa có đầu óc kinh doanh vừa nhanh nhẹn chịu thương chịu khó nên kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Trước đây anh còn phụ vợ, nhưng sau này ỷ lại, “việc” của anh là ngày ngày la cà nhậu nhẹt. Từ những “trận” nhậu đó, anh quen biết với cô gái làm chạy bàn trong quán nhậu. Không biết do bị bỏ bùa mê thuốc lú thế nào, anh “theo” luôn cô này.
 
Tệ hơn nữa, khi có men bia vào, về nhà anh lại gây gổ vợ. Gần đây, có lần anh đánh chửi vợ, ồn ào đến nỗi công an phường phải can thiệp, lập biên bản. “Tôi cứ tưởng vợ tôi đã quen cảnh như vậy, rồi cũng nhẫn nhịn như lúc trước. Không ngờ cô ấy lại quyết “dứt áo” như vậy. Tòa đã định giá tài sản, nhà đất là 1,6 tỉ đồng. Vợ tôi có yêu cầu cả 2 con đều do cô ấy trực tiếp nuôi. Nếu tôi lấy nhà thì “thối” lại cho cô ấy 800 triệu. Nếu tôi cần tiền, cô ấy sẽ đưa trị giá nửa tài sản nhà đất cho tôi. Cô ấy chồng tiền xong là tôi phải “biến” khỏi tầm mắt của cô ấy”.
 
Người đàn ông ngồi im lặng một lúc rồi đưa ra “đề xuất”: “Tôi tính thế này: Tôi không đồng ý ly hôn, nhưng nếu tòa xử cho cô ấy ly hôn thì tôi sẽ đòi nuôi 1 đứa con. Vợ tôi chắc chắn sẽ xót con, không chịu được khi phải xa con nên không dám ly hôn nữa!”. Luật sư hỏi: “Vậy nếu chị ấy đồng ý để anh trực tiếp nuôi 1 cháu, thì anh có đảm bảo chăm sóc tốt cả về tinh thần lẫn vật chất cho cháu không?” Người đàn ông bối rối: “Điều này thực lòng tôi chưa nghĩ đến, tôi cũng chưa biết mình sẽ nuôi và chăm sóc con như thế nào. Tôi đang dùng một “kế sách” để níu kéo gia đình”.
 
Đợi cho vị khách bình tĩnh hơn, luật sư mới giải thích để anh hiểu, nếu anh thực sự muốn níu giữ gia đình, thì chỉ còn một cách là thành tâm sửa chữa những lỗi lầm, thói hư tật xấu của bản thân. Sự chân thành của anh mới có thể làm lay động tình cảm người vợ. Đừng nên nghĩ đến dùng “kế” này hay “kế” kia để mong giữ lại tình cảm của đối phương (mà hôn nhân chỉ thực sự có ý nghĩa khi vợ chồng thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ nhau), trong khi anh vẫn chứng nào tật nấy như: thiếu trách nhiệm với gia đình, vợ con, không chịu tu chí làm ăn và tệ hơn nữa là có “bồ bịch” rồi về nhà đánh đập vợ.
 
“Sự chân thành của tôi cần có thời gian để cô ấy cảm nhận được, vậy có nghĩa, trước mắt, nếu vợ tôi vẫn dứt khoát, tòa vẫn xử cho cô ấy được ly hôn. Dù vậy, mỗi khi tôi đã thay đổi, và cô ấy vẫn còn tình cảm, không muốn con có mẹ xa bố, tôi vẫn có cơ hội tái hợp, trở về đoàn tụ gia đình?” Đó là câu hỏi của người khách khá “đặc biệt”, nhưng vị luật sư hiểu, anh ta đã tìm ra câu trả lời cho chính bản thân mình.
 
(Theo lời kể của Luật sư Minh, Đoàn LS tỉnh Thừa Thiên Huế )
Phạm Thùy Chi