Để cây xanh góp phần hiệu quả vào việc phối kết mỹ thuật hài hòa với các công trình kiến trúc không thể không nghĩ tới phương châm “kiến trúc nào, cây xanh đó”. Ngoài việc tôn tạo, trang trí không gian để làm tăng tính mỹ thuật, tính hoành tráng, uy nghi của công trình kiến trúc, cây xanh còn giữ vai trò bảo vệ chống xuống cấp, hư hại công trình. Thiết kế hệ thống cây xanh hợp lý sẽ phát huy tác dụng chắn gió, điều hòa nhiệt độ giúp công trình giảm thiểu phong hóa. Ngược lại, không nghiên cứu kỹ đặc điểm của loài trồng lắm khi gây ra hậu quả tiêu cực, như cây trồng quá gần công trình, cành nhánh đồ sộ dễ xảy ra hiện tượng va quệt gây hư hỏng; cây quá cao, tán quá nặng, hệ thống rễ quá nông hoặc cây có thân cành bộp khi gặp gió bão dễ đổ ngã gây thiệt hại nặng công trình; cây có rễ ăn ngang, có bạnh vè lớn dễ gây nứt vỡ nền móng công trình...

Cây xanh với kiến trúc nhà cổ kiểu Pháp

Bởi thế từ lâu, ngành kiến trúc cảnh quan luôn quan tâm các tính năng của hệ thống cây xanh, xem công trình kiến trúc và cây xanh là hai thành tố không thể tách biệt. Một công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, hiện đại lồ lộ ra không có cây xanh trang điểm thì sẽ xơ cứng, vô duyên. Các công trình nhà cửa dọc hai vỉa hè đường phố không một bóng cây xanh sẽ phản quang gây chói mắt làm cho người tham gia giao thông mệt mỏi hay buồn ngủ dễ xảy ra tai nạn.

Thử nghĩ, một di tích văn hóa Việt bị vây bọc bởi những cây xanh ngoại lai nổi trội; một tụ điểm du lịch sinh thái, có những ngôi nhà rường truyền thống nằm chơi vơi giữa những hàng cây cau vua ngoại lai đồ sộ; một sân nhà bảo tàng Hồ Chí Minh hay quảng trường Hồ Chí Minh lại không trồng cây bản địa mà bố trí toàn hoặc hầu hết cây ngoại lai nhập khẩu từ các nước về; một đường phố lớn có lòng đường 4-6 luồng giao thông, vỉa hè rộng 5-6 m với các công trình kiến trúc hai bên hiện đại, có nhiều nhà cao tầng lại trồng hai dãy cây xanh thuộc loại cây gỗ nhỏ, đến tuổi định hình cũng chỉ cao 4-5 m, tán rộng 3-4 m... thì làm sao gọi là quy hoạch cây xanh có hồn, làm sao gọi là sinh thái nhân văn?
 
Vậy với các công trình kiến trúc ở Huế, xưa nay cây xanh đã phát huy được gì? Để có được một câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này e phải dựa vào sự nhìn nhận của tập thể chuyên gia liên ngành. Để có tiếng nói tư vấn khách quan giúp tỉnh nhà có định hướng quy hoạch ngày càng tốt không còn cách nào hơn là mở ra diễn đàn khoa học, tốt nhất là những buổi hội thảo chuyên đề.
 
Qua bài viết này, người viết mong muốn mở ra một cửa sổ trao đổi, hy vọng nhiều độc giả quan tâm phân tích góp ý, góp phần xây dựng cho xứ Huế chúng ta một hệ thống cây xanh ngày càng hoàn thiện đúng nghĩa “di sản sinh thái nhân văn”.
Đỗ Xuân Cẩm