Không biết ở nơi khác sao, chứ ở Huế và người Huế thì kỵ giỗ bao giờ cũng được chuẩn bị tổ chức chu đáo. Chu đáo đây không phải cứ mâm cao cỗ đầy, khách khứa chật nhà chật sân; mà có khi chỉ là bình bông nải chuối, mâm cỗ vài món đơn sơ, nhưng lòng thành và sự trang nghiêm thì không bao giờ thiếu. Người Huế có thể quên nhiều thứ, nhưng kỵ giỗ trong nhà thì không bao giờ quên. Đó không chỉ là dịp thiêng liêng để tưởng nhớ tiền nhân mà còn là dịp để con cháu quây quần họp mặt, là dịp để hun đúc, giáo dưỡng đức hiếu thuận cho lớp hậu sinh. Câu chuyện của tôi với bạn cứ vậy mà quanh đi quẩn lại chuyện kỵ giỗ.

Chiêu ngụm trà, giọng bạn chợt như chùng xuống:

- So với ngày trước, kỵ giỗ bây giờ khỏe hơn nhiều, nhưng lạnh lẽo sao ấy...   - Ý anh là...

- Khỏe là ở chỗ bây giờ khỏi phải lều rạp, khỏi phải dắt bàn mượn ghế, khỏi phải gói bánh mổ gà... Tất cả đều đã có dịch vụ. Ngày mai giỗ, chỉ cần alô, lập tức chiều có người chở rạp, chở bàn ghế đến. Loáng cái, rạp dựng xong. Bàn ghế thì rẹt rẹt có chỗ ngồi liền. Cỗ bàn cũng vậy, bao nhiêu suất, những món gì, cứ gọi trước, đến giờ là có. Nhà khỏi phải nổi lửa...

Một khoảng lặng cho ngụm trà nóng, giọng anh lại đều đều:

- Như cái giỗ của nhà mình đây, hồi trước giờ này đã thấy bà con, xóm giềng chạy qua chạy lại thăm nom, nhà này gửi ít lon nếp mới, nhà khác tặng dăm lon đậu xanh đầu mùa, có nhà thì mang cho mấy tàu lá dừa thật đẹp để làm khuôn bánh su sê... Rồi cháu con, xóm giềng xúm vào mỗi người mỗi tay, ai làm được việc gì thì giúp việc ấy, người xoi tim sen, người bẻ khuôn bánh, người đãi đậu đãi nếp, kẻ đâm tiêu giã ớt... Râm ran vui vẻ, ấm cúng vô cùng. Bây giờ thì...

  Anh lại dừng, thong thả nâng tách trà, rồi giọng vẫn đều đều:

  - Ngày mai sẽ râm ran rộn ràng, ai cũng bánh Bảo Thạnh, bánh Thiên Lý... Có người lại đi cả bia; có người thậm chí còn phong bao phong bì. Trời đất, đôi lúc cảm giác kỵ giỗ mà người ta như đi... ăn mừng, đi góp "mồi" nhậu. Cái phong vị, cái ý nghĩa của kỵ giỗ có vẻ đang nhạt dần...

Tôi ngồi nghe và ngắm nhìn bạn. Nghĩ bụng, "thằng cha" này chưa đến nỗi già lắm mà sao hoài cổ dữ. Mỗi thời mỗi khác, bây giờ vì công việc, lại có dịch vụ thì mắc mớ chi không "cậy"? Còn cái chuyện tình làng nghĩa xóm, cháu con dòng tộc, thì nó... vô cùng.- Tôi tặc lưỡi. Nhưng rồi lại bỗng giật mình. Hay không hẳn bạn già mà chính mình cũng đang nhạt?!!

Hiền An