Nữ bị cáo đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, được tại ngoại đến phiên tòa một mình, không có người thân. Chị ngại ngùng kể: Trước đây tôi làm thuê, chồng làm thợ nề. Đứa con thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba lần lượt ra đời. Cứ mỗi lần sinh thêm, cuộc sống khó khăn, chật vật hơn. Nhưng dù khó khăn đến đâu mà có vợ có chồng cùng đồng cam cộng khổ thì cũng sẽ vượt qua. Đằng này, người chồng bỗng nhiên bỏ nhà đi biệt tăm tích. Tôi một nách nuôi 3 con nhỏ, cực khổ túng thiếu trăm bề.

Một ngày con ốm đau, chị đến cửa hiệu cho thuê xe máy, thuê 1 chiếc trong thời hạn 5 ngày, với giá 80 nghìn đồng/1 ngày. Sau đó, đem xe này đến hiệu cầm đồ, nói dối là xe của chị gái, con nhỏ đang ốm cần tiền thuốc men nhưng kẹt quá xin cầm đỡ mấy hôm. Chủ tiệm đồng ý cầm xe với giá 5 triệu đồng. “Bị cáo nói dối chiếc xe của chị gái, còn chuyện con nhỏ ốm phải thuốc men chạy chữa là sự thật. Lúc đó bị cáo túng quá hóa liều”- chị phân bua.

Sợ đến hạn mà không có xe để trả, chị dắt díu con trốn vào TP. Hồ Chí Minh. Trong những ngày trốn tránh đó, ngày nào cũng lo sợ nơm nớp. Vậy nên khi biết có lệnh truy nã, chị trở về ra đầu thú, mong được pháp luật khoan hồng. Thời gian tại ngoại chờ ra trước vành móng ngựa chịu sự xét xử của tòa án, chị đi rửa chén bát thuê cho một tiệm ăn, được trả tiền công mỗi ngày 100 nghìn đồng.

Từ ghế hội đồng xét xử, vị nữ hội thẩm Nhân dân không nén nổi tiếng thở dài. Bà bảo, túng mà làm liều là sai lầm thật đáng tiếc. Trong xã hội có rất nhiều người cực khổ, thậm chí tật nguyền nhưng vẫn vươn lên sống bằng sức lao động. Trường hợp bị cáo tuy sai nhưng biết lỗi, biết hối hận, có hy vọng sửa đổi.

Chiếc xe chị đem cầm, 3 tháng sau đó đã được trả về cho chủ. Thế nhưng người bị hại trong vụ án, vẫn giữ nguyên yêu cầu bị cáo phải trả cho mình 6 triệu đồng tiền thuê xe... Tòa cho rằng, bị cáo thuộc diện khó khăn, một mình nuôi 3 con dại trong lúc tiền công mỗi ngày chỉ có 100 nghìn đồng, bị hại có thể nghĩ lại mà giảm bớt số tiền cho bị cáo? Bị hại đồng ý giảm ½ số tiền nêu ra ban đầu. Chị mắt rưng rưng, lý nhí nói lời cảm ơn.

Giờ nghị án, một mình ngồi thẫn thờ, chị tâm sự, tiếng là có chồng nhưng bây giờ chẳng biết chồng ở đâu. Tôi không dám dẫn các con đến phiên tòa, sợ lũ nhỏ biết việc làm không hay của mẹ. Khi nhận giấy triệu tập của tòa, tôi phải xin chủ tiệm ăn (nơi chị làm thuê) trước cả tuần để thu xếp người thay. “Bây giờ công việc đối với tôi quý lắm, sợ có gì sơ sẩy là có thể mất việc. Sáng nay đến đây, chiều tôi lại đến quán làm. Nửa ngày công cũng kiếm đỡ 50 nghìn đồng mua gạo”.

Hội đồng xét xử TAND TP.Huế tuyên án, phạt bị cáo 10 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Chị như trút được gánh lo, mừng rỡ nói may mà tòa “xử treo”, chứ nếu tui phải ngồi tù thì 3 đứa con nhỏ không biết ra sao. Từ nay có túng cũng không dám làm liều...". Mong đây cũng là suy nghĩ của những người lỗi lầm như trường hợp nữ bị cáo này, có túng cũng không thể vi phạm pháp luật.

Duy Trí