Nơi Trung tâm Văn hoá Huyền Trân toạ lạc. So với cách đây chừng 30 năm, cảnh vật nơi đây đã đổi thay đến diệu kỳ. Những ngọn đồi đã không còn trơ trụi nữa mà đã được phủ kín bởi những cánh rừng thông bạt ngàn. Nhiều năm rồi, có đàn cò hàng ngàn con vẫn thường tìm về cư trú. Những cánh cò chao nghiêng trong hoàng hôn, rồi thong thả đáp xuống đậu trắng trên những cánh rừng đã làm cho quang cảnh nơi đây trở nên yên bình khó tả… …
* Từ Trung tâm văn hoá Huyền Trân…
Chuyện kể vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III Chế Mân vì để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hoà hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hoá-Phú Xuân-TT - Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công ơn của Công chúa Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi - phường Đúc (Huế) thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Tiếc là miếu thờ này ngày nay không còn nữa.
Đường lên tháp chuông Hòa bình - ảnh từ internet |
Người dân và giới học giả, giới nghiên cứu vẫn hằng mong Huế sẽ có một công trình vọng niệm xứng tầm với công lao và sự hy sinh của Huyền Trân- người có thể xem là công dân đầu tiên, công dân số 1 của đất Thuận Hoá-Phú Xuân-Huế. Và cho đến đầu năm 2006, với sự chấp thuận, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Cty CP Du lịch Hương Giang đã tiến hành một công việc hết sức ý nghĩa: Khởi công xây dựng Trung tâm văn hoá Huyền Trân. Một năm sau đó, ngày 26-3-2007, công trình đã được cắt băng khánh thành nhân kỷ niệm tròn 700 năm Thuận Hoá-Phú Xuân- Huế.
Trung tâm văn hoá Huyền Trân có không gian rộng đến 28 ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc thôn Ngũ Tây xã Thuỷ An (nay là phường An Tây), Tp.Huế. Đây là khu vực có đồi núi thoai thoải, rừng thông xung quanh, bốn mặt là đồi núi trùng điệp. Không gian thâm nghiêm, kỳ vĩ, phù hợp với những công trình văn hoá mang tính tâm linh, về nguồn. Từ ngoài dẫn vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có nghê đá phục chầu, tiếp đến là ba bậc sân rất rộng lát gạch Bát Tràng, có hồ nước và cầu bắc qua tương tự như cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hoà của Đại Nội Huế; tiếp nữa là cổng tam quan, trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả nằm trên một trục thẳng. Bên trong đền thờ có pho tượng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2,37m do các nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của phường Phường Đúc Huế cẩn tác. Hậu điện thiết án thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông; ông còn là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt ...
Cũng trong khuôn viên Trung tâm văn hoá Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác, mà nổi bật là Tháp chuông Hoà bình cao 7m được dựng trên đỉnh Ngũ Phong với quả chuông đồng nặng 1,6 tấn cũng do các nghệ nhân Phường Đúc thực hiện. Trên đường dẫn lên tháp chuông Hoà Bình, ta còn gặp bức tượng phật Di Lặc (cũng có người cho là tượng ông Địa) khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi. Bát nhang trước tượng luôn nghi ngút trầm hương của du khách thập phương kính cẩn dâng với nguyện ước vạn sự cát tường như ý…
Tiếp theo đền thờ Huyền Trân, năm 2008 này Cty CP Du lịch Hương Giang đã cho khởi công xây dựng đền thờ Trần Nhân Tông nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh của vị Vua-Phật này. Trần Nhân Tông là phụ hoàng của Công chúa Huyền Trân. Ông nổi tiếng là một vị vua anh minh, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Đền thờ vua Trần Nhân Tông dự kiến sẽ đựơc khánh thành vào tháng 12-2008. Cuối tháng 10 vừa rồi, bức tượng của ông cũng đã được khởi tạo tại Phường Đúc Huế. Bức tượng bằng đồng đỏ nguyên chất, cao 3m, nặng 2 tấn được đúc theo phiên bản lấy từ đền thờ các vua Trần tại Nam Định và dự kiến hoàn tất đầu tháng 12-2008 để kịp tôn trí lúc đền thờ khánh thành.
Với việc ra đời Trung tâm văn hoá Huyền Trân, từ mùa Xuân 2008 trở đi, cứ vào mồng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhân ngày mất của Huyền Trân Công chúa, lễ hội Huyền Trân được tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức. Mồng 9 tháng Giêng năm Mậu Tý vừa rồi, Lễ hội lần đầu tiên được loan báo. Dù hôm ấy rét cắt da cắt thịt, hàng ngàn du khách và cư dân địa phương vẫn lũ lượt đổ về chiêm bái, vọng tưởng…
Trung tâm văn hoá Huyền Trân vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng hầu như không ngày nào vắng khách. Đặc biệt là dịp cuối tuần và các ngày lễ. Anh bạn đồng nghiệp cùng đi với tôi hôm ấy không phải là dễ tính, nhưng sau một hồi thăm thú, đã phải gật gù khen công trình hài hoà, đẹp và có thể “đứng được”. Một số du khách mà chúng tôi gặp và bắt chuyện cũng tham quan với vẻ háo hức và tỏ ra rất hài lòng.
* Đến Di tích lịch sử Chín hầm
Phía đối diện cách chừng non cây số với Trung tâm văn hoá Huyền Trân là một địa chỉ khác mà hẳn ai cũng muốn được ghé thăm: Chứng tích Chín hầm!
Chín hầm được thực dân Pháp xây dựng năm 1941 để làm kho vũ khí. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp và lấy đi tất cả đạn dược, chỉ để lại một vài quả bom nhỏ đã hoen rỉ. Sau cách mạng Tháng Tám, số bom này cũng được quân ta khai thác để chế tạo vũ khí đánh giặc. Những chiếc hầm được bỏ không.
Đoàn cán bộ PV - BTV báo Thừa Thiên Huế dâng hương tại Khu di tích lịch sử Chín Hầm
Sau năm 1954, bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn đã cho cải tạo Chín hầm thành xà lim để giam cầm các chiến sỹ cộng sản và những người chống đối chế độ. Các căn hầm nằm dọc theo sườn đồi, nửa nổi nưả chìm. Tất cả đều có hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, cao trung bình khoảng 3,35m, diện tích to nhỏ khác nhau. Hầm to nhất có diện tích 85m2, nhỏ nhất 41m2. Ngô Đình Cẩn đã cho ngăn lại thành những chiếc xà lim như những chiếc quan tài với chiều rộng 0,9m, dài 2m, cao 1,5m và thực hiện chế độ giam giữ một cách man rợ nhất. Tù nhân được cho ngày 2 bát cơm hẩm với vài hạt muối hay mắm thối. Nước uống được múc từ ao hồ gần đó nhưng cũng lúc có lúc không. Ban ngày le lói chút ánh sáng mờ ảo, ban đêm thì tối đen như mực. Muỗi mòng, chuột bọ vô số. Mùa đông nước dột lênh láng, ẩm ướt và lạnh thấu xương; mùa hè lại nóng như lửa đốt. Các căn hầm đều luôn ngột ngạt thiếu không khí. Mùi ẩm thấp, mùi xác chết của chuột bọ, của phân người, của máu mủ, của những vết thương lở loét quyện lẫn với nhau làm thành một hỗn hợp mùi khủng khiếp không bút nào có thể tả. Tù nhân bị đẩy vào đây xem như cầm chắc cái chết.
Với tù Cộng sản thì Ngô Đình Cẩn chỉ thị “đập thẳng tay”; thương gia nhà giàu thì không đập chết mà “đập mần răng để chịu nộp tiền vô thì thả ra; về nhà thuốc thang vài tháng rồi chết. Đập rứa mới hay!”. Thế cho nên Chín hầm còn được mệnh danh là địa ngục trần gian mà nhiều tù chính trị cho rằng ngay cả xà lim, chuồng cọp của Côn Đảo cũng phải chịu xếp hàng “em út”. Nghe nói bọn mật vụ dưới trướng họ Ngô vẫn thường dùng Chín hầm để phủ đầu với các tù nhân: Khôn hồn thì khai mau; ngoan cố “ông cậu” cho vô Chín hầm là hết đời. Năm 1963, khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trong ngục chỉ còn 3 tù nhân sống sót, trong đó có ông Nguyễn Dân Trung là tác giả nổi tiếng của truyện thơ “Sống trong mồ” gồm 3.000 câu được ông làm và nhẩm nhớ trong đầu trong suốt những năm tháng bị giam cầm nơi đây…Sau năm 1963 và những năm về sau, Chín hầm bị đập phá, tìm lấy phế liệu…và dần trở thành phế tích.
Ngày 16-12-1993, Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) đã có quyết định xếp hạng Chín hầm là Di tích lịch sử Quốc gia. Bây giờ khu vực này đang được quy hoạch xây dựng thành Khu Di tích lịch sử trên tổng thể rộng đến hơn 100 ha với những đồi thông và hồ nước tự nhiên. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng cục II- Bộ Quốc phòng cũng đã cho tiến hành xây dựng tại đây khu tưởng niệm và tượng đài Bất khuất. Cty CP Du lịch Hương Giang cũng là đơn vị tham gia vốn và chịu trách nhiệm quản lý, phục vụ du khách. Nhà tưởng niệm và tượng đài Bất khuất đã được khánh thành vào 30-4-2006, đúng dịp kỷ niệm 31 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Chúng tôi dựng xe, bỏ mũ vào thăm khu chứng tích. Giữa khung cảnh núi rừng lồng lộng nổi lên cụm tượng đài sừng sững bằng đá granit, tạc hình tượng 3 chiến sỹ cách mạng dù trong ngục tù man rợ của giặc vẫn ngẩng cao đầu vững tin vào thắng lợi của cách mạng. Tượng cao 5,4m được đặt trên bệ cao chừng 4m. Dưới chân tượng là bức phù điêu cũng bằng đá, rộng chừng 30m2, tạc hình cửa hầm, các dụng cụ tra tấn tù nhân và hình ảnh son sắt, quả cảm của những tử tù yêu nước. Tượng đài Bất khuất nằm tại vị trí trung tâm khu lưu niệm rộng lớn, được thiết kế hài hoà, trang nghiêm, xứng tầm là một công trình văn hoá-lịch sử ở vùng đất cố đô. Sau lưng tượng đài là nhà bia với tấm bia lớn bằng đá đen, khắc 4 chữ vàng Tổ quốc ghi công. Tiếp nữa là ngôi đền thờ anh linh các liệt sĩ.
* Và một tuyến đường có nhiều thứ để tham quan, chiêm nghiệm…
Khu di tích Chín hầm và Trung tâm văn hoá Huyền Trân nằm cách trung tâm thành phố Huế chỉ khoảng 6 Km về phía tây nam. Từ trung tâm thành phố có thể theo đường Điện Biên Phủ, nối đường Tam Thai, qua cây cầu nhỏ Nam Sông Hương; từ đây có thể theo 2 lối, hoặc là đi thẳng qua nghĩa trang nhân dân, hoặc chếch về bên phải một chút, qua nghĩa trang liệt sỹ thành phố là đến. Trên lộ trình chừng 6 cây số này là một loạt các địa chỉ mà nghe qua có thể bạn sẽ không muốn bỏ qua bất kỳ địa chỉ nào.
Qua cầu Nam Giao và vừa lên đầu dốc là Tổ đình Từ Đàm, một trong những ngôi chùa xuất hiện rất sớm của Huế và là trung tâm đầu não của Phật giáo Trung phần trước đây; một địa chỉ gắn liền với phong trào tranh đấu Phật giáo, góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm năm 1963. Từ Đàm nay cũng là nơi đặt trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên Huế hiện nay. Ngay sát bên trái Từ Đàm là di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu. Nơi chí sỹ họ Phan đã sống những năm cuối đời và đựơc dân Huế gọi với cái tên trìu mến “Ông già Bến Ngự”. Tại đây có lăng mộ của cụ Phan; ngôi nhà tranh nơi cụ sống, tiếp và đàm đạo chuyện thế sự với nhiều nhân vật nổi tiếng; nhiều trước tác và hiện vật của cụ cũng còn được lưu giữ. Đặc biệt, có bức tượng đồng cỡ lớn cỡ lớn chỉ tạc khuôn mặt của Cụ nhưng cao đến hơn 4m, rộng 3,5m, dày 2,5m và nặng cỡ 7 tấn. Tượng được một nhóm trí thức văn nghệ sĩ Huế đúc năm 1973, điêu khắc gia Phan Thành Nhơn, giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (lúc ấy đang được mời thỉnh giảng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế) là tác giả. Mục đích của việc đúc tượng là nhằm cổ suý tinh thần yêu nước, đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn đang sôi sục lúc bấy giờ. Cuối đường Điện Biên Phủ là đàn Nam Giao, một di tích quan trọng trong quần thể di tích Cố đô Huế, nơi trước đây các vua triều Nguyễn thường đích thân hành lễ tế Trời cầu quốc thái dân an. Bây giờ, hai năm một lần, lễ hội Nam Giao lại được tái hiện vào mỗi kỳ Festival Huế. Ngay phía trước cổng chính Nam Giao là chùa tổ Tây Thiên, ngôi chùa được lập vào đầu thế kỷ XX; gần đó là chùa Quy Thiện do Thượng thư Thái Văn Toản lập; hai chữ “quy thiện” được ông đại thần cuối triều Nguyễn này đặt để bày tỏ ý muốn trở về với tính bổn thiện của con người lúc tuổi đời xế bóng.
Ngay trên đường Tam Thai cạnh chùa Quy Thiện là di tích chùa Ba Đồn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đây là nơi hợp táng lớn nhất nước các liệt sỹ chống Pháp thời kỳ đầu. Rồi từ ngã ba cầu Nam Sông Hương vào đến khu văn hoá Huyền Trân, ta sẽ qua Tổ đình Thuyền Tôn-ngôi chùa do Hoà thượng Liễu Quán sáng lập từ đầu thế kỷ 18. Tháp Hoà thượng Liễu Quán hiện cũng nằm cách chùa Thuyền Tôn chừng 500m, ngay trên đường dẫn vào Trung tâm văn hoá Huyền Trân. Hoà thượng Liễu Quán (1670-1742) là người được xem đã phục hưng, xiển dương Phật giáo xứ Đàng Trong; người đã khai sáng thiền phái Lâm Tế-một thiền phái lớn, có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với Phật giáo xứ Huế và các tỉnh Đàng Trong và vẫn tiếp tục được truyền thừa cho đến ngày nay. Ngài cũng là người đã có công lớn trong việc Việt hoá văn hoá, kiến trúc, nghi lễ…của Phật giáo. Sau khi hoà thượng viên tịch (1742), chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho xây tháp dựng bia ghi lại công đức của Ngài. Bia ấy, tháp ấy nay vẫn còn nguyên vẹn với dòng chữ “ Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương”; ý nói sự nghiệp, công đức của Tổ Liễu Quán vẫn còn đọng mãi, như hoa Đàm kia dù đã rụng nhưng hương thơm thì vẫn còn phảng phất không thôi.
Rời tháp Tổ Liễu Quán tiếp tục đi vào trong cũng chỉ khoảng 500m là ngôi biệt thự và khu sinh phần của Ngô Đình Cẩn. Tay bạo chúa miền Trung này đã dựa hơi ông anh là Ngô Đình Diệm đã tạo lập vây cánh, thế lực, vơ vét của cải nhiều vô số. Y đã đến đây lập ngôi biệt thự 2 tầng, nội thất nghe nói được trang trí toàn vật dụng quý giá lấy từ Đại Nội ra hoặc cưỡng đoạt từ các gia đình giàu có. Tại đây Ngô Đình Cẩn còn thiết lập một khu sinh phần rộng đến hàng chục ha, trồng toàn cam. Các lối đi có thảm cỏ, hoa tươi bài trí. Khu biệt thự, sinh phần họ Ngô và khu biệt giam Chín hầm cạnh đó trước tháng 11-1963 là vùng bị cấm kỵ nghiêm ngặt. Nhưng lẽ đời vô thường, gia đình họ Ngô đã phải thọ lãnh nghiệp báo cho những hành vi bạo ngược của mình. Sau năm 1963, khu biệt thự và sinh phần nói trên đã thành phế tích. Từ Trung tâm văn hoá Huyền Trân và Khu di tích lịch sử Chín hầm còn có đường thông đến Lăng Khải Định, Lăng Tự Đức, đồi Thiên An…đều là những di tích, danh thắng lừng danh xứ Huế…
Dù vẫn đang trong quá trình tiếp tục xây dựng để hoàn thiện, nhưng Trung tâm văn hoá Huyền Trân và Khu di tích Chín hầm đã làm cho cả một khu vực đồi núi phía Tây Nam thành phố Huế bắt đầu rạo rực. Có ý kiến cho rằng sao lại đem Đền Huyền Trân đặt vào một nơi xa tít thế kia. Tuy nhiên, cũng lại có một số ý kiến cho rằng, nếu đặt ở trung tâm thành phố, liệu có đủ quỹ đất, có một không gian bề thế để tạo dựng được một khu tưởng niệm xứng tầm? Lại nữa, Huyền Trân là người “đi mở cõi”. Huế đã trở nên quá chật chội, biết đâu, nhờ oai linh của Bà, Trung tâm văn hoá Huyền Trân lại chẳng là hạt nhân để Huế có thêm một khu đô thị xứng tầm về phía tây nam? Nghe nói, đất đai ở đây cũng đã bắt đầu có giá. Nhiều người tính hướng “chiến lược” đã tìm vào hỏi mua một lúc cả vài ngàn mét vuông. Có doanh nghiệp cũng đã khoanh vùng đầu tư tính hướng làm khu du lịch với quy mô lớn. Trung tâm văn hoá Huyền Trân và Khu di tích Chín hầm đã và đang trở thành một điểm đến lý thú và đầy ý nghĩa cho người dân Huế và du khách gần xa.
Diên Thống