Nhiều hiến kế

 

Trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ do ông Nguyễn Thanh Nghị, UV dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn với tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng TP trực thuộc Trung ương, lần lượt các thành viên trong đoàn, gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ đã đóng góp những ý kiến, hữu ích.

 

Sẽ có cơ chế đặc thù cho đô thị Huế?

 

Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng, Cục Phát triển đô thị-Bộ Xây dựng cho rằng, việc Thừa Thiên Huế hoàn thành quy hoạch vùng tỉnh là cần thiết, quan trọng, là cơ sở để xem xét cho đô thị Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương. Ông Chiến cũng cho rằng, nếu theo Nghị định 62 của Chính phủ, Thừa Thiên Huế không thể đạt các tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương, bởi còn quá nhiều yếu tố chưa đáp ứng. Ông Đỗ Viết Chiến thừa nhận, để được công nhận là đô thị trực thuộc Trung ương, với Thừa Thiên Huế chỉ có cách xét theo đặc thù. Điều này chưa từng có tiền lệ.

 

Theo quan điểm của ông Nguyễn Chí Đức, Vụ trưởng, Vụ Nội chính - Văn phòng Chính phủ, đô thị được cấu thành bởi 3 yếu tố quan trọng, gồm: kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và năng lực quản lý. Vấn đề trong quản lý đô thị, cốt lõi là chức năng của nó. Thừa Thiên Huế đã xác định chức năng của đô thị hướng tới, theo tôi đó là cách làm hay trong vấn đề xây dựng đô thị trực thuộc Trung ương. Song, cũng cần bổ sung thêm kinh tế biển, bởi Thừa Thiên Huế có biển và đầm phá rộng lớn. Việc chuyển dịch cơ cấu theo mô hình kinh tế đặc biệt cũng là cách làm hay với đô thị Thừa Thiên Huế.

 

Với kinh nghiệm 15 năm theo dõi các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị-Bộ Xây dựng cho hay, với các TP trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Cần Thơ, đều tách từ hai đơn vị hành chính là Quảng Nam và Hậu Giang. Riêng Thừa Thiên Huế là cả tỉnh lên TP, do vậy, khó khăn là đương nhiên. Song, với những giá trị di sản, cảnh quan, sinh thái hiện hữu và chưa có nơi nào hệ thống này dày đặc như ở Huế, gồm cả Kinh thành Huế, thì Thừa Thiên Huế hoàn toàn có khả năng áp dụng cơ chế đặc thù.

 

Cùng quan điểm, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản-Bộ Xây dựng cho rằng, ngoài khu vực Kinh thành Huế, những khu vực khác cũng cần có quy định phù hợp về xây dựng, quản lý, nhằm tạo sự đồng bộ cho đô thị Huế. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ cùng với tỉnh xây dựng chương trình phối hợp phát triển nhà ở phù hợp cho Huế và chắc chắn sẽ tạo ra khác biệt về kiến trúc so với các TP khác.

Trực thuộc Trung ương, mong ước gần 20 năm!

 

“Trở thành TP trực thuộc Trung ương là mong ước gần 20 năm nay của chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế”, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Thiện mở đầu lời phát biểu. Gần 20 năm qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định xây dựng Huế trở thành 1 trong 5 TP trung tâm của quốc gia. Chính quyền, nhân dân đều phấn khởi và ra sức phấn đấu, xây dựng để xứng tầm TP trực thuộc Trung ương. Song, vì nhiều lý do, Huế vẫn chưa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Lần này, sự quyết tâm thể hiện rất rõ. Kết luận 48 của Bộ Chính trị đã thấm nhuần từ những người dân lao động, cán bộ, công chức và cả những em học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên. Song dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng xét theo tiêu chí thì Thừa Thiên Huễ vẫn không đạt. Trực thuộc hay không trực thuộc Trung ương, đô thị Huế vẫn phải phát triển theo mô hình riêng và mô hình này đã được tỉnh xác định là mô hình tập hợp đô thị di sản, văn hóa và cảnh quan, thân thiện với môi trường. Do vậy, đô thị Huế không phát triển nóng như các đô thị khác. Cho nên việc không đạt tiêu chí là điều hiển nhiên. Cũng vì những lý do đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn Chính phủ xem xét tính đặc thù để có cơ chế đặc thù cho tỉnh.

 

“Không có nơi nào mà người dân kỳ vọng và có sức chờ đợi lâu như ở Thừa Thiên Huế. Gần 20 năm, điều đó nói lên sự tha thiết của Đảng bộ, chính quyền cũng như người dân Huế. Trực thuộc Trung ương để chúng tôi bảo tồn những di sản văn hóa, kiến trúc, cảnh quan tốt hơn và cũng là để giữ những giá trị này cho cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

 

“Bộ Xây dựng sẽ cùng với tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn cho Thừa Thiên Huế để tỉnh sớm được công nhận đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Bộ cũng sẽ chủ trì sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 34 và có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi một số điều trong Nghị định 62, để xem xét áp dụng cho Huế, đô thị đặc thù và làm cơ sở áp dụng cho các đô thị khác sau này”. Khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khiến những người dự phiên làm việc hôm đó thỏa lòng. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng yêu cầu Thừa Thiên Huế cần quan tâm triển khai quy hoạch các đô thị khác ngoài TP Huế, bao gồm cả quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; chú trọng công tác quản lý đô thị; quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, gồm: giao thông, thoát nước, xử lý rác thải. Từng bước xây dựng chương trình phát triển đô thị theo lộ trình. Phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở sinh viên.

Bài, ảnh: Tâm Huệ