Nhớ mình ngày nhỏ quá...

Đã từ lâu, mỗi lúc trở mình tôi vẫn thường nghe tiếng cọ nhau của phin cà phê và mấy lần “nhảy ùm” của đá viên vào làn nước đậm màu. Tôi rõ, là ba mẹ dậy sớm. Họ dần nhón mình qua nửa kia của cuộc đời, hẳn là không quen với cái xô bồ của nhạc sống nữa nên dù có hỏi và mấy lần rủ đi, ba mẹ vẫn bảo “thích tự làm ở nhà” hơn. Không rõ là mấy anh chủ của loại hình kinh doanh mới này có nhị vị phụ huynh giống mình không, nhưng có lẽ đó là một lý do hay ho cho nguồn gốc của những tiệm trà, cà phê cổ kính.

Hôm rồi đưa bé em đi học, tôi chợt nhận ra căn nhà lúc trước bác mình ở đã “biến hình” thành một trạm dừng chân mới. Người ta gọi nó là “cà phê nhà”, còn tôi bảo đây là nhà của bác. Căn nhà cũ mà lúc trước tôi ngước mãi lên để ngắm cho được mấy chòm sao phản quang mà chị mình dán đầy tường giờ thu bé lại đến vô tận, tưởng như chỉ cần nhón chân cũng đã chạm tay vào một phần ký ức. Hồi đó, ở bức tường này bác tôi hay ngồi trang điểm, nay đã là góc tụ tập của một vài người. Vì dụ ý là của ngày xưa, nên bức tường loang lổ vẫn không được trám bít lại, dòng thời gian đưa đẩy toác to dần, như gào lên cái vô tâm của đồng hồ đang chạy.

Cũ và mới

Không sô-pha hay bàn kính, ở đây toàn mấy loại bàn gỗ cũ, ngay cả khăn trải bàn cũng là loại nilong in hoa mà hiếm ai còn dùng. Tôi chắc cách đây chục năm, nhà ai cũng có một bộ, hoặc sần sùi vân gỗ, hoặc sáng bóng vẹc-ni. Vài nhịp còn chợt mang máng cảnh bác trai mình ngồi đó phì phèo điếu thuốc. Lại cái hồi còn nhỏ, là bác mình ở kia nhâm nhi vị trà đắng, nay bác đi xa và cháu cũng lớn lên, cháu thay bác vui vẻ order một bình trà khác mà không sợ người ta bảo “nhìn con nít mà bày đặt” bởi trong này, dễ mà gặp cảnh “một áo thun jean rách” đang lăn lăn ly trà bé xinh với ánh mắt tò mò, hào hứng. Không phải vì ở nhà không có cái mùi đắng đắng này, nhưng ngồi bàn gỗ cũ, cũng nên xài thứ gì “cũ” một tí.

Ấm trà nhài tôi gọi, phảng phất hình ảnh giàn hoa xưa phủ đầy trước ngõ, đan cả bông dạ lý thơm thơm mà tôi với chị vẫn hay kết thành vòng tay và vương miện đội đầu. Miếng kẹo lạc cũng giòn tan cảnh khoét heo cùng bạn chạy ù mua ở cầu thang bên cạnh. Tôi đã đi hai, ba quán kiểu này, nhưng ít gặp cảnh ai nói to thật to rồi cười ha hả, phải chăng là truyền thống nhẹ nhàng kín đáo của Huế xưa vẫn đang phủ đầy. Phần nhiều mọi người đều lim dim bên khoảng cửa hoen rỉ, họ nhìn vào đâu đó thật xa, hay mông lung theo “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”. Mấy người trẻ thì lắm khi vẫn cắm cúi vào trang mạng, nhưng mấy nốt ngân dài của cô Ánh Tuyết đôi lúc cũng làm họ ngước đầu. Tôi hẳn không có một sự chắc chắn nào về mình như người ta, chỉ biết vào và xuýt xoa “chỗ ni hồi trước mình chơi ri này, chỗ ni bác mình nằm ngủ này, chỗ ni và chỗ ni nữa… là mình đều quen cả”. Sau cả một khoảng lâu về lại, nhìn đâu cũng thấy mấy người mình không rõ tính danh, nhưng vì là “nhà”, nên ai nhìn nhau cũng mỉm cười một cái, ấm trà nóng lại phảng phất hương lên, hòa vào không gian quen thuộc.

Một góc hoài niệm

Không phải chỉ riêng “nhà”, mấy nơi khác còn có cả quạt trần, ly, tách, ngay cả bình nước sôi cũng vào loại thiên kim thiên cổ. Cái kim cổ chắc chắn chứ không lỏng lẻo như mấy loại nhựa chạy điện ù ù như bây giờ. Lúc có mấy bác hai màu tóc vào ngồi nói chuyện, tôi mập mờ chữ được chữ mất của chuyến hành quân xưa với bình nước xanh màu lính đeo người. Tôi đã bảo rồi, chúng tôi vui vẻ trả tiền cho những thước phim ngày còn trẻ, dù vui, hay buồn.

Loại hình “tìm trẻ” này dù vẫn thưa khách nhưng đang nhiều dần lên, độ vài mùa nữa là soán phần của mấy tiệm xập xình điều hòa, đèn chớp. Có thể là với người có kỷ niệm, mà cũng có thể là giới trẻ tò mò. Mà thật, nếu có chụp hình ở mảng tường loang, nhìn cũng đẹp tuyệt. Ngày tôi khoe với cả nhà là mình đã về, mấy chị bảo “à, có đẹp không, chị cũng muốn về xem lắm”. Căn nhà cũ của mình, với chị ba và cô út còn dễ tìm, nhưng chị cả chắc chỉ là hình tượng. Bác tôi bảo mình đã ghé ngang và có chụp ảnh, còn tôi - cô em họ thì cố gõ vài dòng cho chị mình dễ hình tượng cái mùi nhà cũ. Chị đi làm xa cũng độ hai mươi mấy năm rồi. Tôi sợ chị quên, hoặc có thể không vì bác tôi đã gửi ảnh nhưng không nếm mùi, nếm vị được. Cô em út này vui vẻ tả lại cho chị xem, nơi ngày nào chị còn ba và còn bé, đến khi chị lớn, nó cũng già mất rồi.

HANI