Trong vòng 5 năm, tỷ lệ người dân tham gia BHXH, bảo hiểm y tế tăng cao. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, trục lợi có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính đến quý I năm 2107, con số nợ BHXH kéo dài của cả nước lên đến 17.551 tỷ đồng. Trước tình hình đó, các địa phương thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra; xác minh liên ngành trên 2.300 đơn vị; làm rõ 86 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đó, các địa phương yêu cầu chủ lao động làm thủ tục tham gia BHXH bắt buộc cho trên 4.800 lao động; khắc phục tiền nợ và truy thu trên 576.000 triệu đồng; thu hồi xuất toán trên 48.860 triệu đồng do lạm dụng các chi phí khám chữa bệnh….Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các ngành và công an các địa phương thực hiện khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra tòa do nợ BHXH kéo dài; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 459 tổ chức, cá nhân sai phạm với số tiền thu hồi trên 200 triệu đồng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát trong việc xử lý các đơn vị nợ BHXH; hoàn thiện các quy định, chế tài xử phạt cũng như tăng cường tuyên truyền, phổ biến, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hành vi, vi phạm BHXH. Hai ngành cần trao đổi thông tin, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các doanh nghiệp, cơ sở y tế và cá nhân có vi phạm để phục vụ công tác quản lý.
Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH giai đoạn 2017 - 2022.
Huế Thu