Người dân đổ xô tới đài phun nước Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp để xua tan cái nóng. Ảnh: AFP 

Theo đó, chỉ riêng nhiệt độ cực đoan cũng có khả năng khiến hơn 150.000 người thiệt mạng mỗi năm đến năm 2100, nếu không có biện pháp nào được thực hiện để ngăn cản những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet Planetary Health, các nhà khoa học nói rằng, những phát hiện của họ cho thấy, biến đổi khí hậu đang đặt ra một gánh nặng gia tăng nhanh chóng lên xã hội, với 2 trên 3 người ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng nếu phát thải khí nhà kính và các sự kiện thời tiết cực đoan không được kiểm soát.

Các dự đoán được dựa trên giả định không có giảm phát thải khí nhà kính và không có sự cải thiện trong chính sách để làm giảm tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan. Điều này cho thấy những ca tử vong ở châu Âu liên quan đến thời tiết tăng từ 3.000 người/năm trong giai đoạn 1981-2010 lên đến 152.000 người/năm trong giai đoạn 2071-2100.

Biến đổi khí hậu là yếu tố chính

"Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất đối với sức khỏe con người của thế kỷ 21. Hiểm họa của nó đối với xã hội sẽ ngày càng kết nối với những mối nguy hiểm do điều kiện thời tiết”, ông Giovanni Forzieri đến từ Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, người đồng nghiên cứu nhấn mạnh.

Ông Giovanni cho biết thêm: "Trừ khi sự nóng lên toàn cầu được kiềm chế như một vấn đề cấp bách", khoảng 350 triệu người châu Âu có thể phải đối mặt với khí hậu cực đoan có hại mỗi năm vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu nói trên phân tích những ảnh hưởng của 7 loại thảm họa liên quan đến thời tiết nguy hiểm nhất của là: sóng nhiệt, sóng lạnh, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt sông và ven biển, cũng như những cơn bão trong 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cộng với Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét hồ sơ thảm họa tự nhiên từ năm 1981-2010 để ước tính mức độ dễ bị tổn thương của dân cư, sau đó kết hợp với mô hình mà biến đổi khí hậu có thể tiến triển, cũng như khả năng dân số có thể gia tăng và người di cư.

Phát hiện của họ cho thấy, sóng nhiệt sẽ là thảm họa liên quan đến thời tiết nguy hiểm nhất và có thể dẫn đến 99% trong số tất cả những trường hợp tử vong liên quan đến thời tiết trong tương lai ở châu Âu, tăng từ 2.700 ca tử vong/năm trong giai đoạn 1981-2010 lên đến 151.500 ca tử vong/năm trong giai đoạn 2071-2100.

Các kết quả cũng dự báo sự gia tăng đáng kể của số người có nguy cơ thiệt mạng do lũ lụt ở bờ biển, từ 6 người chết/năm vào đầu thế kỷ lên 233 người chết/năm vào cuối thế kỷ này.

Các nhà nghiên cứu cho hay, biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố chính, chiếm tới 90% nguy cơ; trong khi tăng trưởng dân số, di cư và đô thị hóa sẽ chiếm 10%.

Trong một động thái liên quan, Giáo sư Paul Wilkinson tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, người không tham gia vào nghiên cứu khẳng định, các phát hiện của nghiên cứu là rất đáng lo ngại.

Ông Paul nhấn mạnh: "Sự nóng lên toàn cầu có thể dẫn đến những tác động nhanh chóng lên con người, với sự gia tăng đáng kể của nguy cơ tử vong do nhiệt độ cao, trừ khi các biện pháp thích ứng đầy đủ được thực hiện”.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters, Independent, The Guardian & AFP)