Phát triển kinh tế vườn tại xã Phong Hiền (Phong Điền)

Từ năm 2010 đến nay, cứ đến ngày 3 hoặc 4 hàng tháng, các đảng viên trong chi bộ thôn Phò Ninh, xã Phong An lại đến nhà văn hóa thôn để tham gia sinh hoạt định kỳ. Ngoài các nội dung sinh hoạt theo quy định, chi bộ đi sâu bàn giải pháp để lãnh đạo người dân trong thôn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Ngọc Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Phò Ninh khẳng định: “Sau khi được công nhận xã nông thôn mới, bộ mặt thôn Phò Ninh nói riêng và xã Phong An nói chung có nhiều khởi sắc. Ngoài nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vai trò của đội ngũ đảng viên ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng. Đảng viên luôn là người đi đầu trong việc hiến đất, cây cối trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn”.

Trước khi bắt tay thực hiện các phong trào ở địa phương, chi bộ kêu gọi đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, từ đó, khơi dậy sức dân để thực hiện. Sau khi đã bàn và thống nhất trong chi bộ, mọi việc của thôn đều được đưa ra thảo luận, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân. Ông Hoàng Thành, một người dân ở thôn Phò Ninh phấn khởi: “Việc gì gắn với quyền lợi của dân, luôn được người dân đồng tình, ủng hộ. Bản thân tôi hiến 500m2 đất lúa hai vụ để mở rộng đường giao thông nông thôn”.

Bản Hạ Long (xã Phong Mỹ) có 95% đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển đảng viên mới là vấn đề luôn trăn trở của các cấp ủy Đảng. Trước thực tế đó, trong các buổi sinh hoạt, ngoài bàn về vấn đề nâng cao đời sống người dân, chi bộ luôn lồng ghép bàn các giải pháp để phát triển đảng viên mới.

Ông Trần Ngọc Mác, Bí thư Chi bộ bản Hạ Long nhớ lại: “Khó khăn lớn nhất chính là tư tưởng, nhận thức về Đảng của người dân còn hạn chế. Hơn nữa, việc tạo nguồn để giới thiệu cho tổ chức Đảng cũng không phải dễ. Sau quá trình vận động, cùng với những việc làm thiết thực của Đảng, Nhà nước như: làm đường giao thông, xây trường học, quan tâm chăm lo đời sống người dân… người dân càng thấy rõ vai trò của tổ chức Đảng. Vì thế, con em trong bản phấn đấu học tập để trở thành đoàn viên, thành cô giáo, thầy giáo. Đó chính là nguồn để bản Hạ Long phát triển đảng viên mới. Trước đây, Hạ Long là bản “trắng” đảng viên, thì nay số đảng viên là 24 người, sinh hoạt ở 3 tổ Đảng”.

Ông Hoàng Văn Kỳ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền cho biết: “Tuy còn những khó khăn, hạn chế, nhưng các chi bộ thôn, bản trên địa bàn huyện đã thể hiện vai trò “hạt nhân” lãnh đạo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung sinh hoạt hàng tháng của các chi bộ được đảm bảo, hình thức đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của từng thôn, xóm, nhất là thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; sinh hoạt chuyên đề được tổ chức ít nhất mỗi quý 1 lần"...

“Đầu năm 2008, toàn huyện có 106/147 thôn, bản có tổ chức Đảng, với 965 đảng viên. Qua quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11 của Huyện ủy và Nghị quyết của Đảng cấp trên, đến nay, các chi bộ thôn, bản đã kết nạp được 604 đảng viên mới, 136/136 thôn, bản, tổ dân phố đều có chi bộ Đảng (tăng 41 chi bộ). Các chi bộ đã làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở. Đây chính là bước chuyển quan trọng cả về số lượng và chất lượng, đưa nghị quyết của Đảng thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi bộ được nâng lên, khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của chi bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền Võ Văn Vui phấn khởi.

Phong Điền có 275 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; trong đó có 136 chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trực thuộc đảng bộ các xã, thị trấn; 2 chi bộ cơ quan xã; 16 chi bộ quân sự xã, thị trấn; 25 chi bộ cơ quan Đảng, Mặt trận - đoàn thể, cơ quan hành chính; 81 chi bộ đơn vị sự nghiệp công lập; 13 chi bộ khối lực lượng vũ trang và 1 chi bộ hợp tác xã.

Bài, ảnh: Anh Phong