Theo quy luật mọi năm, bão lũ thường bắt đầu xuất hiện vào giữa mùa Thu và những cơn bão đầu tiên chỉ xuất hiện trên biển, hiếm khi đi vào đất liền nước ta. Song, từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7 vừa qua đã có 4 cơn bão; trong đó, bão số 2 và bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung mà theo nhiều chuyên gia là tương đối trái quy luật.

Cùng với bão, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc bộ nối với vùng xoáy thấp phát triển từ mặt đất lên tới 5000m, nên trong những ngày đầu tháng 8, ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa lớn, xuất hiện lũ ống, lũ quét. Điều nguy hiểm ở đây là đang trong mùa khô, đất mặt tơi xốp nên khi có lượng nước lớn đổ xuống rất dễ thẩm thấu, mềm nhão; các cơn lũ lại hình thành trong rừng sâu, bất ngờ tràn xuống làm người dân “trở tay không kịp”. Tại Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã có 34 người chết và mất tích, nhiều ruộng vườn, nhà cửa, công trình phúc lợi bị lũ cuốn phăng, ước thiệt hại trên 150 tỷ đồng trong trận mưa lũ đầu tháng 8 này.

Trên địa bàn tỉnh, mưa to kèm theo gió mạnh từ chiều 25 đến ngày 26/5 đã gây ngập úng, làm vỡ nhiều đoạn đê, gia tăng tình trạng sạt lở ở một số bờ sông, bừ biển. Một số tuyến đê bao nội đồng tại các xã Phong Chương, Điền Hải (huyện Phong Điền), Phú Đa (huyện Phú Vang) bị vỡ với chiều dài trên 300m; gần 2.000 ha lúa hè thu bị ngập úng.

Nằm giữa khúc ruột miền Trung, trực tiếp hướng ra Biển Đông, Thừa Thiên Huế là địa bàn trọng điểm của mưa bão. Vùng phía tây của tỉnh là vùng đồi núi, hiện tượng lũ ống, lũ quét vẫn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Năm 2016 thiệt hại do mưa, bão hơn 357 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.

Điều quan tâm nữa hiện nay là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra ở nhiều khu vực trên địa bàn, đe đọa tính mạng, tài sản của người dân và các công trình phúc lợi. Riêng bờ biển có khoảng 30 km bị sạt lở; trong đó, có 10 km với 10 điểm bị sạt lở nặng. Một trong những nguyên nhân chính gây sạt lở bờ sông, bờ biển là do các đợt bão lụt liên tiếp xảy ra. Bên cạnh đó, một số cửa biển, khu neo đậu tàu thuyền đang bị bồi lắng, xuống cấp gây khó khăn trong việc tránh trú bão của tàu thuyền…

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong năm nay có khoảng 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng sẽ xuất hiện siêu bão… Trước những diễn biến bất thường của thời tiết như đã xảy ra từ nửa đầu năm nay thì việc chủ động để phòng tránh ngay từ bây giờ là hết sức cần thiết. Đặc biệt, phải sớm kiện toàn BCH phòng chống bão lụt tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; tuyên truyền, có phương di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo nơi neo đậu cho thuyền tránh trú bão, bảo vệ lúa, hoa màu, vật nuôi và các công trình phúc lợi, dân sinh; có phương án thi công hợp lý tại các công trình trọng điểm… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đặng Thành