Mô hình nuôi cá lồng được dự án Sodi hỗ trợ ở thôn Ngư Mỹ Thạnh
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh thôn Ngư Mỹ Thạnh, anh Hà Binh, cán bộ văn hóa xã Quảng Lợi khoe: Từ khi DA Sodi đầu tư đường giao thông, cầu tàu, hệ thống rừng ngập mặn (RNM), cảnh quan môi trường được cải thiện.
“Ngày trước, chúng tôi phải lội bì bõm dưới nước một đoạn mới vào được bờ. Mùa mưa bão cũng không có chỗ để neo đậu tàu thuyền, giờ thì thuận tiện hơn, vừa có cầu tàu, đường bê tông hóa, nhà vệ sinh… Đời sống người dân chuyển biến nhờ DA hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập mỗi lồng 30 triệu đồng/năm; chuôm cho thu nhập 15 triệu đồng/đợt thu hoạch/3 tháng”, anh Đào Vân, thôn Ngư Mỹ Thạnh phấn khởi.
Chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng dọc khu nuôi trồng và bảo tồn thủy sản Ngư Mỹ Thạnh, rồi chạy dọc tuyến phá đang phủ màu xanh của những cây bần, dừa nước… Khu RNM này do DA Sodi và Chi cục Kiểm lâm tỉnh hỗ trợ trồng với hơn 40 ha. Sau hơn 1 năm phát triển, hệ thống RNM đã cao quá đầu người, thu hút nhiều loài chim trú ngụ.
Ông Hồ Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền kỳ vọng: “Đây sẽ là nơi cư ngụ cho các loài thủy sản, cũng là nơi du khách tận hưởng những giây phút thư giãn, sử dụng ngư cụ truyền thống để đánh bắt cá, tôm. Huyện đang tiếp tục khảo sát, mở rộng diện tích RNM dọc phá, gắn với quy hoạch nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ”.
Sau khi hệ thống hạ tầng và RNM được đầu tư, tour du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh cũng được xây dựng bài bản hơn với sự tham gia của các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tour khám phá Ngư Mỹ Thạnh sẽ bắt đầu vào sáng sớm với việc đưa du khách khám phá đời sống sinh hoạt, mua bán thủy sản của người dân tại chợ nổi.
Tiếp đó, thuyền đưa du khách đến tham quan các bãi bồi RNM, rồi đến khu bảo vệ thủy sản. Sau khi khu nhà chồ của Công ty CP Du lịch Đại Bàng hoàn thành sẽ có thêm nhiều điểm trải nghiệm thú vị cho du khách: tham gia đánh bắt cá, tôm bằng các ngư cụ truyền thống địa phương như bủa lưới, nơm, chơm, lặn hến..., dừng chân tại bến đò Cồn Tộc thưởng thức đặc sản địa phương.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, Giám đốc Ban quản lý (BQL) DA Sodi tại Quảng Điền chia sẻ: Sau khi kết thúc DA “Phát triển cộng đồng trên vùng rú cát, xã Quảng Vinh, với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng, từ năm 2015, DA Sodi đã có những hỗ trợ trong phát triển kinh tế tại Quảng Lợi. Trong đó, tập trung tại thôn Ngư Mỹ Thạnh với tổng kinh phí 230.252 EURO, tương đương hơn 5 tỷ đồng; vốn đối ứng địa phương hơn 545 triệu đồng.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin, hiện chỉ còn chương trình hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo nằm trong DA đang chuẩn bị triển khai; còn tất cả các hạng mục đều hoàn thành.
Để tạo chuyển biến toàn diện trong phát triển du lịch Quảng Lợi, BQL DA đang đề xuất DA hỗ trợ giai đoạn hai cho Quảng Lợi. Các hạng mục triển khai bao gồm: điện chiếu sáng, xây dựng hệ thống nhà lưới trồng rau sạch cung cấp cho các nhà hàng phục vụ khách du lịch, tập huấn nâng cao nhận thức người dân, xây dựng 3 hồ làm vệ sinh ngư cụ tránh tác động xấu tới môi trường đầm phá… với kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.
Nếu các hạng mục trên được đầu tư sẽ giúp Quảng Lợi trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tuấn Anh gợi mở.
Hoàng Loan