Gia đình ông Nguyễn Đăng Giám hỗ trợ nhiều con đường bê tông dẫn ra khu nuôi trồng thủy sản ở Vinh Xuân

Năm 1958, ông Giám đưa gia đình lên Buôn Mê Thuột tìm kế mưu sinh. Sức trẻ, nhiệt tình và sự hỗ trợ của người bạn đời, ông Giám làm tất cả những gì có thể, từ đốt rẫy trồng rừng, nhận thầu các công trình nhỏ lẻ đến mở cửa hàng buôn bán văn phòng phẩm, thuốc tây… Cuộc sống của gia đình đổi thay dần theo công sức ông bỏ ra. Ông Giám trở thành ông chủ của nhiều nông trường cà phê và kinh doanh thành đạt ở TP. Buôn Mê Thuột.

Sau năm 1975, ông thành lập tổ hợp tác chế biến lương thực và thực phẩm nông sản Vinh Xuân, sau đó chuyển đổi sang mô hình HTX. Đến năm 1992, HTX Chế biến lương thực và Thực phẩm Vinh Xuân nâng cấp thành Công ty TNHH Đoàn Kết với hàng trăm công nhân, trong đó, người Huế chiếm 70%; nay là Công ty CP DV&TM Đoàn Kết, sở hữu hàng trăm ha sầu riêng, mít, chuối…

Sau mỗi thành công, ông Giám lại nghĩ đến bà con quê mình. Năm nào ông cũng về quê vài lần, mang theo gạo, phân bón hỗ trợ bà con trồng trọt. Với thanh niên, ông sẵn sàng tạo điều kiện cho bất kỳ ai muốn cùng ông vào Đắc Lắc tìm đường lập nghiệp. Đến nay, ở phường Tân Lập, TP. Buôn Mê Thuột - nơi ông ở được nhiều người gọi với cái tên thân thuộc “xóm Huế” vì đã có hàng trăm gia đình người Huế gốc Vinh Xuân thành đạt và đang định cư ở đây nhờ được ông Giám đỡ đầu.

Năm 1997, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ những nông trường sầu riêng Thái Lan, ông Giám quyết định tăng cường đầu tư những công trình phúc lợi thiết thực, tạo điều kiện để người dân Vinh Xuân phát triển kinh tế trên quê hương mình, như: hỗ trợ hơn 500 triệu đồng dẫn điện phục vụ chiếu sáng cho người trồng ớt và cà chua; hỗ trợ hơn 400 triệu đồng xây các tuyến đường dẫn ra khu nuôi trồng thủy sản để đưa cơ giới hóa vào sản xuất… và nhiều công trình phúc lợi mang ý nghĩa nhân văn khác như xây đường bê tông vào nghĩa trang để bà con dễ chuyển vật liệu mỗi khi xây lăng đắp mộ, góp tiền xây đình làng...

Những lúc đầu óc căng thẳng vì việc kinh doanh, cách thư giãn của ông Giám là tìm ý tưởng mới để mỗi lần về quê lại có việc cùng bà con phát triển kinh tế. Cứ thế, khi thì tặng cho 50 hộ trồng ớt 1,7 triệu đồng/hộ để khoan giếng và mua máy bơm nước tưới; lúc chọn 10 gia đình hỗ trợ 5 heo giống/hộ cùng chi phí làm chuồng trại, mua thức ăn trong quá trình chăn nuôi…

Riêng công trình nâng cấp, sửa chữa chợ Vinh Xuân với kinh phí 820 triệu đồng, ông Giám cho biết: “Khu đất chợ Vinh Xuân đang hoạt động hiện nay là của cha tôi, tức ông Nguyễn Đăng Tùng hiến cho làng. Vì thế, ngoài mục đích giúp bà con được sinh hoạt mua bán trong điều kiện tốt hơn, tôi muốn tiếp nối nghĩa cử cao đẹp của cha mình với quê hương”. Từ giữa năm 2016, số tiền hỗ trợ Vinh Xuân bao gồm các công trình phúc lợi và những hạng mục mang ý nghĩa tâm linh của gia đình ông Nguyễn Đăng Giám đã hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, năm nay 49 tuổi, con trai ông Giám- người thay mặt ông Giám đồng hành cùng những công trình ở Vinh Xuân cho biết: Ông trở về Huế lần này vừa để đôn đốc việc hoàn thành chợ Vinh Xuân, vừa bắt đầu khởi động xây dựng đường dây điện thắp sáng Quốc lộ 49 đi qua thôn Kế Võ dài 1.400 mét gồm 44 trụ đèn bằng chất liệu thép 2 da, mẫu mã đẹp có thể trang trí cờ, hoa vào dịp lễ, tết; với kinh phí dự kiến hơn 60 triệu đồng.

“Cha tôi hầu như không quan tâm sẽ phải đầu tư bao nhiêu cho quê hương. Nhưng ông luôn trăn trở hiệu quả mang lại từ những công trình ấy là gì. Đời sống của bao nhiêu gia đình sẽ khá hơn sau mỗi công trình của ông...”, ông Quang thổ lộ.

Ở tuổi 82, ông Giám vẫn bận bịu với các hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ đồng. Ông làm kinh tế không chỉ để kiếm tiền cho bản thân mà còn thực hiện khát vọng góp phần đưa đời sống người dân quê ông ngày một khá hơn.

Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân Nguyễn Đồng thông tin: “Năm 2008, ông Giám được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất vì đã có đóng góp nuôi quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN