Hoạt động vận chuyển khách ra, vào Đầm Chuồn Hội Quán tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy do thuyền không hợp quy chuẩn
Tự phát
Vào những ngày nắng nóng, lượng khách đổ về quán Đầm Chuồn Hương Quán (Phú An, Phú Vang) khá đông. Tại đây, để thuận lợi trong việc vận chuyển khách ra, vào nhà hàng nổi này, chủ quán đã cho thành lập một bến đỗ tự phát bên bờ đê với hệ thống cầu bằng gỗ dẫn ra giữa phá. Thuyền đi từ bờ đê ra nhà hàng nổi trên chiều dài khoảng 200m. Mỗi chuyến, thuyền chở từ 12-14 khách, trên thuyền có trang bị áo phao nhưng du khách đều không mặc. Khi khách từ các nhà hàng nổi có nhu cầu, ngư dân cũng “trưng dụng” thuyền đánh cá loại nhỏ để chở khách tham quan trên đầm Chuồn.
Ông Phan Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, trước đây, khu vực thôn Định Cư có 3 thuyền chuyên chở khách phục vụ các hàng quán nổi trên đầm Chuồn. Sau một thời gian, chính quyền địa phương nhận thấy không đảm bảo ATGT đường thủy do các quán nằm xa bờ nên đã cấm 2 phương tiện, nay chỉ còn lại một phương tiện chuyên đưa đón khách ra vào Đầm Chuồn Hội Quán.
“Riêng lái thuyền chở khách khu vực này thì có chứng chỉ đường thủy nhưng thuyền được cải hoán lại từ thuyền đánh cá của ngư dân nên không hợp quy chuẩn, không đăng ký đăng kiểm và khu vực đưa đón khách chưa được cấp phép bến thủy nội địa. Vừa qua, công an, Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện và UBND xã đã có buổi kiểm tra, xử phạt hành chính chủ thuyền 2,5 triệu đồng. Xã cũng đã yêu cầu chủ thuyền viết cam kết, đóng thuyền mới hợp quy chuẩn và đăng ký đăng kiểm đầy đủ”, ông Việt khẳng định.
Ông Việt thừa nhận, có tình trạng thuyền của ngư dân tự phát đưa, đón du khách thăm thú đầm phá tại khu vực thôn Định Cư và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy rất cao. “Giải quyết vấn đề này rất khó vì thuyền ngư dân rất đông, họ tự thỏa thuận, có thu tiền bên ngoài, làm sao mình quán xuyến hết được. Để hạn chế tình trạng này, xã đã tiến hành kiểm tra và phối hợp với các ban ngành của huyện tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác đảm bảo ATGT đường thủy cho ngư dân”, ông Việt nói.
Trên tuyến sông Hương, nhiều điểm cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy. Cụ thể, tại bến Minh Mạng (xã Hương Thọ) dù khu vực này chưa được cấp giấy phép thành lập bến thủy nội địa nhưng có khoảng 10 phương tiện du lịch với hàng trăm lượt khách vẫn thường xuyên trả đón khách để tham quan các điểm lăng tẩm. “Bến này tự phát đã nhiều năm nay, dù địa giới hành chính thuộc UBND xã Hương Thọ quản lý nhưng khách thì của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Hiện tại, vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm thành lập bến thủy nội địa”, ông Hồ Văn Hồng, Đội trưởng Đội Tuần tra đường thủy nội địa (Sở GTVT), cho biết.
Vận chuyển khách trên đầm Chuồn bằng phương tiện thô sơ
Nhiều điểm mất an toàn
Ông Hồ Văn Hồng thông tin, quá trình tuần tra kiểm soát trong thời gian qua cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều điểm trên các tuyến sông, đầm phá tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy. Các điểm này không có giấy phép thành lập bến thủy nội địa, lái thuyền không có chứng chỉ đường thủy hoặc có bằng thuyền trưởng tàu cá nhưng chưa chuyển đổi và các phương tiện không hợp quy chuẩn, không đăng ký đăng kiểm, nhầm lẫn công năng giữa thuyền du lịch và thuyền tại bến đò ngang.
“Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các địa phương. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của người dân, địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra các chủ thuyền, người điều khiển phương tiện. Kiên quyết xử lý các phương tiện vận chuyển không đảm bảo các điều kiện hoạt động”, ông Hồng đề xuất.
Các điểm mất ATGT đường thủy như tại bến Minh Mạng (Hương Trà), Cồn Tộc- Vĩnh Tu (Quảng Điền), Thiền viện Trúc Lâm- Bạch Mã (Phú Lộc) và một số lòng hồ thủy điện.
“Tại bến đò Cồn Tộc, vừa qua, lực lượng thanh tra của sở phối hợp với Phòng Kinh tế- Hạ tầng Quảng Điền đã kiểm tra đột xuất 8 thuyền. Dù các thuyền này đã được đăng ký, đăng kiểm nhưng đã hết hạn và không kiểm định lại. Thời điểm kiểm tra, có 2 thuyền đang hoạt động nên đoàn liên ngành đã lập biên bản xử lý hành chính 2 thuyền này và yêu cầu các thuyền ký cam kết không tái phạm, đăng ký, đăng kiểm lại theo quy định”, ông Hồng cho biết thêm.
Ông Võ Hoài Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng, việc kiểm soát thực trạng mất ATGT ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh hiện nay rất khó khăn, trách nhiệm chủ yếu thuộc chính quyền địa phương sở tại. Đơn vị chỉ quản lý tuyến đường thủy nội địa từ Mỹ Chánh về đến Tư Hiền và các tuyến sông. Còn lại, khu vực các đầm như Lập An, đầm Chuồn… thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.
“Thời điểm hiện tại đã đầu mùa mưa bão nên lực lượng TTGT thường xuyên tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở có bến bãi hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn. Trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy phép lái tàu thuyền, thiết bị cứu đắm, cứu sinh. Đồng thời, tăng cường tuần tra xử lý vi phạm cũng như các thủ tục xuất bến, hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách đối với thuyền du lịch, thuyền vận tải”, ông Nam khẳng định.
Bất cập thuyền ngự Long Quang “Kiểm tra cho thấy điểm đậu của thuyền ngự Long Quang cũng sai quy định do đơn vị chủ quản là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho xây dựng cầu dẫn ra thuyền lấn hành lang bảo vệ đường thủy. Thuyền này cũng đang “lẫn lộn” công năng do nhập nhằng giữa chức năng thuyền du lịch và nhà hàng nổi trên sông nên công tác kiểm soát, đảm bảo ATGT đường thủy đối với phương tiện này gặp khó khăn”, ông Hồ Văn Hồng, Đội trưởng Đội Tuần tra đường thủy nội địa (Sở GTVT), thông tin. |
Hà Nguyên