Trên 13 triệu lượt là mức tăng trưởng được đặt ra trong năm 2017, so với con số trên 10 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong năm 2016. 7,2 triệu lượt là số lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm. Điều ấy cũng có nghĩa là, 5 tháng còn lại, ngành Du lịch phải đạt trên 44% mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu được giao. Đây có lẽ cũng không phải là điều quá khó khăn, khi chỉ cần nỗ lực nhích hơn con số của 7 tháng về bình quân lượng khách/tháng, trong khi mùa cao điểm của khách quốc tế có biên độ chung từ tháng 10 năm này đến tháng 4 năm sau.

Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là ở chỗ, làm thế nào để tăng doanh thu từ lĩnh vực này một cách có chất lượng nhất, khi mà đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của cả nước mới đạt khoảng 6,9% trong năm 2016. Theo thông tin được cập nhật từ trang Business Insider, Việt Nam vừa lọt vào top du lịch “rẻ, đẹp nhất thế thế giới”, nơi mà du khách chỉ mất 20 USD chi phí cho một ngày. Điều này mang đến thông tin tốt là có thêm sự lựa chọn cho khách du lịch giá rẻ, song nếu chỉ chăm chú vào nguồn khách này thì lượt khách đến sẽ đạt được, nhưng chất lượng tăng trưởng khó mà đi theo cùng.

Trở lại với khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu, có ba vấn đề trọng tâm được tập trung tại Hội nghị Xúc tiến du lịch 2017 được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng này, bao gồm đề xuất những nhiệm vụ then chốt cộng với những ưu tiên để tăng trưởng lượng khách quốc tế trong những tháng còn lại của năm; bàn thảo những giải pháp, sáng kiến cho công tác xúc tiến du lịch – vốn đang được xem là vừa thiếu về kinh phí, vừa thiếu tính chuyên nghiệp – trong năm 2018 và triển khai phối hợp công tư trong công tác xúc tiến thế nào cho hiệu quả.

Đây cũng là cơ sở cho những giải pháp sâu và cụ thể hơn. Trong đó có việc phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường có khả năng tăng trưởng mạnh, bên cạnh việc duy trì tốc độ phát triển ổn định của các thị trường truyền thống (bao gồm 7 thị trường với 14 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện đang chiếm 85% thị phần khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện nay như châu Âu (Đức, Anh, Pháp); Trung Quốc (Trung Quốc và Hong Kong); Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Singapore), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Úc, Nga, Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).

Đây cũng là những nỗ lực trong tương quan chung, với Thừa Thiên Huế còn là những điểm nghẽn cụ thể đang có trong phát triển du lịch về số ngày khách lưu trú, về liên kết, về kết nối hàng không, các sản phẩm du lịch mới cũng như đóng góp vào GDPR của tỉnh.

Minh Hà