Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm cao hơn từ Ban Chỉ đạo đến những người trực tiếp thực hiện; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị chức năng. Theo tinh thần đó, những tháng cuối năm 2017 và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong đó tập trung triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này.

Cùng với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện có kết quả các giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường hàng hóa trong nước. Phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới phải gắn với tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm; thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là trong các khâu bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật… Xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả lộng hành do thiếu trách nhiệm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm; đối với cán bộ, công chức có sai phạm phải xử lý nghiêm minh, công khai theo quy định của pháp luật, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Đồng thời tuyên truyền, phổ biến thường xuyên các mặt nguy hại của tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong nhân dân và tầng lớp cán bộ, công chức nhất là cán bộ, công chức thuộc các lực lượng chức năng để nâng cao tinh thần trách nhiệm; phát động phong trào quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nêu gương người tốt, việc tốt nhằm tạo sức mạnh trong toàn xã hội đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Xử lý kịp thời các vụ án buôn lậu, kinh doanh hàng giả

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các vụ việc nổi cộm, được dư luận chú ý, nhưng chỉ được xử lý hành chính để xem xét lại, nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc, vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; xác lập các chuyên án trinh sát lớn đánh trúng, đánh đúng các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; để hoàn thành tốt nhiệm vụ này cần chú trọng bổ sung trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại cho các lực lượng chức năng.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nghiên cứu, trao đổi với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để thảo luận, đánh giá tồn tại, khó khăn, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, xây dựng, triển khai thực hiện một số chuyên đề, kế hoạch trọng tâm về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo nhóm mặt hàng và địa bàn trọng điểm.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan nắm vững diễn biến tình hình, đề xuất thành lập kịp thời các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để kiểm tra các cơ quan trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đối với các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo VPCP