Trên thị trường hiện có hai luồng tín dụng với lãi suất ở dạng nói trên. Đó là tín dụng ngoài thị trường tự do, mà nhiều người thường gọi là “tín dụng đen”, để chỉ việc cho vay nặng lãi và nguồn tín dụng thông qua các công ty tài chính.

Nói lãi suất cao là so sánh với lãi suất ở các ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng cho vay có thế chấp quanh ở mức 7,5%/năm cho năm đầu tiên và thời gian tiếp theo lãi suất được điều chỉnh thường là với biên độ + 3%, nghĩa là khoảng hơn 10%/năm từ năm thứ hai. Phần lớn các ngân hàng đều cộng thêm một ít tỷ lệ % nữa nếu trả trước thời hạn. Đối với các doanh nghiệp, mức lãi suất như trên được cho là quá cao, có khi nó “ăn mòn” phần lời của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nếu so với mức lãi suất ở hai dạng cho vay được nêu ở đầu bài thì mức lãi suất tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng “dễ thở” hơn nhiều. Vấn đề là không phải ai có nhu cầu vay tiêu dùng cũng có điều kiện thế chấp. Từ thực tế này đã sinh ra hai dạng tín dụng nói trên.

Có dịp khảo sát thị trường tín dụng này thấy người vay chịu rất nhiều thua thiệt. Ví dụ tại một dịch vụ cầm đồ ghi: vay 1 triệu đồng chỉ trả lãi 900đ/ngày. Thoạt nhìn thấy rất nhẹ nhàng. Vì giá cả bây giờ có khi cầm 1.000đ mua chỉ được vài trái ớt. Nhưng nếu tính ra, lãi suất đã là 32%/năm, đó là chưa kể nếu trả không đúng hạn có khi chịu lãi phát sinh rất cao.

Một dạng tín dụng khác có ở nhiều nơi là chỉ thỏa thuận miệng hoặc bằng một tờ giấy ghi nợ. Lãi suất các món vay này thường là cao ngất ngưởng, có khi đến cả 100%/năm. Lâu lâu ta hay nghe các vụ “bể hụi” là một phần của bức tranh cho vay dạng nói trên.

Có một dạng khác cho vay với lãi suất “nhẹ hơn” là các công ty tài chính. Điều kiện vay tiêu dùng ở nhiều đơn vị cung cấp tài chính “khá thoáng”. Người vay chỉ cần photo chứng minh nhân dân, hộ khẩu là được. Các món vay này không nhiều, thường cao nhất là 70 triệu đồng và lãi suất được tính khoảng 14%/năm.

Đến đây thì chúng ta có thể thấy một điều, những người không hoặc ít có điều kiện đảm bảo, nếu muốn vay phải sử dụng đồng tiền với giá “rất đắt”. Nhiều vấn đề xã hội có thể phát sinh từ thị trường tín dụng không lành mạnh này.

Nhu cầu tín dụng tiêu dùng trong xã hội là rất cao. Một nguồn tin từ người có trách nhiệm của ngân hàng BIDV được Thời báo Kinh tế Sài gòn trích dẫn cho biết, tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay tiêu dùng qua hệ thống ngân hàng là 646.000 tỷ đồng, tương đương 28 tỷ USD, chiếm 11,7% dư nợ toàn hệ thống. Và con số này dự báo có thể tăng lên khoảng 30 - 35% trong 2 -3 năm tới. Riêng ở mảng tín dụng “chính thống” này, nếu cứ tạm tính lãi suất 10% năm thì người tiêu dùng Việt Nam mỗi năm đã trả lãi 2,8 tỷ USD. Một con số không hề nhỏ.

Tiêu dùng của người dân là một yếu tố để tính tăng trưởng kinh tế. Nghĩa là tiêu dùng nhiều sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Vấn đề là kiểm soát chi tiêu ở mức hợp lý, tránh tình trạng “vung tay quá trán” thì tăng trưởng mới mang tính bền vững.

Lê Phương