Ông Trần Đông Phương (bìa trái), ông Nguyễn Sơn Ngọc (giữa) và anh Phạm Mạnh Hà trao đổi tại sảnh trụ sở Ban thư ký ASEAN - Ảnh: LÊ NAM |
So với tổng số 350 nhân viên đến từ các quốc gia thành viên ASEAN đang làm việc ở Ban thư ký (BTK), tỉ lệ người Việt tuy nhỏ nhưng đều đảm nhiệm các vị trí từ vụ trưởng, trợ lý vụ trưởng đến chuyên viên.
Những người làm việc lâu nhất hiện vẫn còn công tác ở đây có thể kể đến bà Lê Châu Giang - chuyên viên chính về tiêu chuẩn chất lượng; ông Lê Anh Quang - phó vụ trưởng, trưởng phòng đào tạo thuận lợi thương mại; ông Trần Đông Phương - vụ trưởng Vụ Phát triển đa ngành; ông Nguyễn Kỷ Anh - vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững...
Các vị trí công việc ở BTK do các ứng viên công dân ASEAN cùng nộp đơn dự tuyển, nếu đáp ứng nhu cầu sẽ được ký hợp đồng làm việc trong 3 năm.
Nghề chính là... họp
Anh Phạm Mạnh Hà, có hơn 5 năm làm việc ở phòng kinh tế đối ngoại, cho biết có những tháng thời gian đi họp, công tác bên ngoài trụ sở đến hơn 3 tuần. “Ban ngày họp liên miên, nhiều đêm liên tục thức tận khuya để hoàn tất công việc và chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp kế tiếp” - anh Hà nói.
Ngôn ngữ chính trong văn phòng là tiếng Anh nhưng hồi mới đến Jakarta làm việc, ông Phương kể tất cả các nhân viên người Việt đều chia sẻ nhau “bí quyết tồn tại” đầu tiên bằng cách học thuộc lòng mấy chữ: đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái, dừng lại... bằng tiếng Bahasa (ngôn ngữ dùng chung của Indonesia, Malaysia) chỉ dùng để chỉ đường lái xe taxi cách di chuyển từ nơi ở đến chỗ làm để khỏi lạc. Sau đó đếm các chữ số để trả tiền cho đúng.
Có 5 trong số 14 nhân viên người Việt trong phái đoàn Việt Nam tại BTK không mang gia đình sang cùng.
Theo quy định của Indonesia, do được xem như chuyên gia nên vợ/chồng/con cái của nhân viên BTK được lưu trú lâu dài ở Indonesia nhưng không được phép làm việc. Muốn làm việc phải xin một hình thức cư trú khác trong khi vợ/chồng của họ ở Việt Nam đều có công ăn việc làm ổn định.
Tự hào là người Việt Nam
Anh Mạnh Hà nhớ lại 5 năm trước khi mới được nhận vào làm việc anh cũng lo lắng vì thời gian làm việc chỉ kéo dài 3 năm và chưa biết sẽ trụ được bao lâu. “Giờ thì đã là lần thứ hai gia hạn và tôi tự tin cho lần gia hạn sắp tới” - anh nói.
Sự cần cù, nhiệt tình và thông minh là thế mạnh đáng tự hào của nhân viên người Việt ở BTK. Theo Hiến chương ASEAN, thứ tự ưu tiên tuyển dụng đông nhất là người của nước chủ nhà, kế đến là công dân các quốc gia Philippines, Malaysia...
Nhân viên Việt Nam tuy ít nhưng trong thời gian 12 năm qua, theo ông Phương, chưa nhân viên Việt Nam nào rơi vào tình trạng bị từ chối gia hạn hợp đồng.
Trao đổi với chúng tôi, các nhân viên người Việt ở BTK đều khẳng định thử thách, sự đòi hỏi chuyên môn sâu trong môi trường làm việc đa văn hóa chính là điều hấp dẫn, tạo động lực cho họ vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống.
Anh Mạnh Hà chia sẻ mình may mắn khi công việc hiện nay vận dụng được khá nhiều kiến thức chuyên môn “mà ít nhiều đều có gắn với những thay đổi cho cộng đồng ASEAN và đâu đó ở trong nước”.
Thu nhập tốt Hiện BTK ASEAN đang tuyển dụng 12 vị trí, trong đó vị trí phó tổng thư ký có mức lương cố định trong 3 năm là 9.900 USD/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngộ. Tài khoản Facebook phái đoàn Việt Nam tại ASEAN cho biết từ ngày 1/1/2015, BTK đã áp dụng mức lương và đãi ngộ mới: lương tối thiểu của vụ trưởng là 6.923 USD/tháng, trợ lý vụ trưởng là 5.083 USD/tháng, chuyên viên là 3.555 USD/tháng và không phải đóng thuế. Nhân viên BTK còn có tiền công tác phí theo quy định của Liên Hiệp Quốc và một số phúc lợi khác… |
BTK ASEAN làm gì? BTK ASEAN được thành lập vào tháng 2-1976, có nhiệm vụ điều phối việc thực thi các chính sách, triển khai các dự án và hoạt động hợp tác của ASEAN. BTK được đặt tại Indonesia, ban đầu nằm trong trụ sở của Bộ Ngoại giao Indonesia. Năm 1981, BTK chuyển về trụ sở tại 70A Jalan Sisingamangaraja trong khuôn viên do Chính phủ Indonesia cấp. Hiến chương ASEAN quy định BTK do tổng thư ký ASEAN đứng đầu, giúp việc cho tổng thư ký ASEAN có 4 phó tổng thư ký. |
Theo Tuoitre