Sinh ra trong một gia đình ở làng quê nghèo bị chiến tranh tàn phá trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường tham gia chống Mỹ. Hơn 8 năm chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên ác liệt, ông Phước đã trải qua nhiều hy sinh gian khổ, chứng kiến và sống trong rừng bị rải chất độc hóa học.

Sau ngày giải phóng quê hương 26/3/1975, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội và xây dựng gia đình với bà Phan Thị Nguyệt, cũng tham gia chiến trường. Năm 1979 sức khỏe giảm sút, ông rời quân ngũ. Lần lượt 2 vợ chồng sinh được 4 người con trai vào năm 1978, 1980, 1984 và 1992. Thật không may, do 2 vợ chồng đều bị nhiễm chất độc da cam dioxin nên cả 4 người con đều không bình thường. Một cháu bị tâm thần nặng, không làm chủ được hành vi, phải đi điều trị thường xuyên tại Bệnh viện tâm thần tỉnh. Còn lại 3 cháu đều bị thiểu năng trí tuệ. Mọi sinh hoạt hằng ngày, các con đều phải nhờ vào bố mẹ chăm sóc. Các con của ông bà chỉ học được đến lớp 1 rồi không thể học tiếp được nữa.

Không thể nào kể xiết nỗi gian nan của 2 vợ chồng để chăm sóc các con. Tuy vậy, 2 vợ chồng luôn động viên nhau vượt qua khó khăn vừa chăm con vừa tham gia sản xuất. Chính quyền địa phương hiểu được hoàn cảnh và quan tâm cấp cho 2 vợ chồng ông 300 mét vuông đất để làm nơi ở và sản xuất. Ông lại được phân công làm bảo vệ nghĩa trang và được cấp cho 1 con bò.

Sau bao nhiêu năm lăn lộn với  đồng ruộng và chăn nuôi, đến nay ông bà đã xây được một căn nhà cấp 4, một đàn bò hơn 10 con, một ao cá và 3 sào ruộng. Bên cạnh đó cộng thêm với chế độ trợ cấp của người nhiễm chất độc da cam, cuộc sống vật chất của gia đình ông tạm ổn. Tuy nhiên, vợ chồng ông luôn canh cánh trong lòng nỗi đau da cam các con phải chịu đựng.

Một câu chuyện cũng cần kể thêm: Vào giữa tháng 12/2016, Thừa Thiên Huế bị một trận mưa lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Xã Thủy Thanh của ông Phước nước ngập mênh mông, không phân biệt được đâu là đường đi, đâu là ruộng. Một bữa trưa trời đang mưa to, nước tiếp tục nâng cao, bỗng ông nghe tiếng kêu cứu giữa cánh đồng ngập nước gần nhà. Không quản tuổi cao sức yếu, với tinh thần người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, ông lao ra cứu một nữ sinh với chiếc xe đạp đang chới với giữa dòng nước sâu mênh mông chảy xiết. May mắn thoát chết, nữ sinh hết sức cảm ơn người đã cứu mình khỏi bàn tay tử thần và cho biết mình là Nguyễn Thị Thúy Hằng, sinh viên đại học, đang trên đường về nhà không may bị dòng nước lũ bị cuốn ra giữa cánh đồng.

Hành động dũng cảm cứu người của người cựu chiến binh già là nạn nhân chất độc da cam được dân làng, dư luận ca ngợi và được các cấp chính quyền, đoàn thể khen thưởng động viên. Ông Nguyễn Thanh Phước là đại biểu dự gặp mặt “Vinh danh những tấm lòng nhân hậu vì NNCDDC/dioxin" vào dịp kỷ niệm ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8/2017 tại Hà Nội. Cuộc gặp mặt nhằm tri ân những tấm lòng nhân hậu, những hy sinh thầm lặng... và ông Phước xứng đáng là một trong số đó.

Nguyễn Cương

Chủ tịch Hội NNCDDC T.T Huế