Xe đưa đón công nhân Công ty xi măng Đồng Lâm

Chỗ nào trống là tấp vào

Trước đây, hầu hết xe đưa đón công nhân (CN) tại các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đều có hợp đồng đỗ xe tại một số cơ quan, đơn vị (CQ, ĐV). Điều này vừa giúp các công ty có được bãi đỗ xe an toàn, tiện lợi, mặt khác, các đơn vị cho thuê bãi đỗ xe cũng có thêm tiền phúc lợi.

Tuy nhiên, chủ trương của nhà nước là các CQ, ĐV sự nghiệp của nhà nước không được tự ý dùng đất công vào mục đích sản xuất kinh doanh, cho thuê, cho mượn. Trong khi tỉnh chưa có điểm trông giữ xe với diện tích lớn khiến các công ty tại các KCN của tỉnh loay hoay mãi vẫn chưa tìm được nơi đỗ xe.

Dạo quanh một vòng ở TP. Huế, mới thấy rõ thực trạng này. Tại sân khu tập thể Đống Đa, là điểm tập kết của Công ty Sợi Phú Anh; khu quy hoạch (KQH) Bàu Vá, khu tái định cư Lịch Đợi vẫn thường thấy xe đưa đón CN của Công ty Xi măng Luks, Đồng Lâm. Khu vực trước Trung tâm Thể thao tỉnh cũng thấy nhiều xe đưa đón CN của một số công ty khác.

Anh Dũng, lái xe đưa đón CN của Công ty Xi măng Luks nói: “Trước đây xe công ty thuê được bãi đỗ xe của Học viện Âm nhạc Huế, được một thời gian ngắn thôi nay không được thuê nữa. Hiện nay, xe của tôi có lúc đỗ tại KQH Bàu Vá, lúc thì đỗ tại KQH Lịch Đợi nên rất bất tiện cho việc lái xe và đưa đón CN. Việc đỗ xe ngoài đường là bất đắc dĩ, nếu lực lượng chức năng phát hiện xe đỗ không đúng quy định, bị phạt là chuyện thường tình”.

Lái xe của một số công ty khác cho biết: Đỗ xe không đúng quy định là vi phạm pháp luật, làm mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, hiện chưa có bãi đỗ xe, chúng tôi đành phải rảo khắp thành phố, thấy chỗ nào đất còn trống, ít dân cư đi lại là tấp xe vào đỗ.

Cần một bãi đỗ xe quy mô lớn

Hiện tại lượng xe đưa đón CN đến làm việc tại các KCN của tỉnh rất lớn, lên đến hàng chục chiếc xe trên 45 chỗ ngồi, trong khi phần lớn CN sống trên địa bàn TP. Huế nên các xe gần như đỗ tại trung tâm thành phố để đưa đón CN.

Anh Võ Bảo Long, ở phường Thủy Biều, CN dệt may Phú Bài nói: “Nếu không có xe đưa đón CN làm sao mình cũng như những CN khác có thể đến chỗ làm bằng xe máy hàng ngày được vì quá xa. Việc đưa đón CN là hợp lý, tuy nhiên, địa điểm đưa đón CN cũng phải thay đổi liên tục tùy theo xe đỗ ở địa điểm nào”.

Theo nguyện vọng của lãnh đạo nhiều công ty trên địa bàn, mong muốn tỉnh sớm xây dựng một bãi đỗ xe lớn, rộng rãi để tập kết xe đưa đón CN. Thứ nhất, giải quyết thuận lợi cho việc đỗ xe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; thứ hai, có bãi đỗ xe sẽ giúp xe an toàn hơn, bởi đã có nhiều trường hợp xe ô tô đưa đón CN bị kẻ trộm lấy mất bình điện...

Nhằm đảm bảo an toàn cho xe, Công ty Xi măng Luks hoặc một số ít xe của Công ty Xi măng Đồng Lâm vào đỗ tại bến xe du lịch Nguyễn Hoàng, song đây chỉ giải pháp tạm thời, vì đây là bến xe du lịch nên lưu lượng xe du lịch vào ra đông đúc.

Từ nay đến năm 2020, chủ trương của tỉnh là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm dệt may lớn của khu vực và cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nhà đầu tư chiến lược đến đây để mở thêm các nhà máy, CN sẽ tăng lên rất nhiều.

Tỉnh cũng đã thông qua quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng mới, cải tạo nâng cấp 15 bến xe (trong đó 11 bến xe khách, 4 bến xe hàng) và 42 bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh (khu đô thị trung tâm và các khu đô thị, dân cư mới), điểm, khu du lịch các thị trấn, thị tứ...

Để đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch phát triển giao thông vận tải cũng như chiến lược xây dựng trung tâm dệt may lớn của tỉnh, hy vọng trong thời gian tới, tỉnh sớm nghiên cứu quỹ đất nhằm xây dựng một bãi đỗ xe đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Bài, ảnh: Gia Hân