Bãi đỗ xe cho TP Huế: Đã là điều bức thiết
Cập nhật lúc 10:54, Thứ tư, 10/04/2013 (GMT+7)
Sự phát triển của đô thị di sản văn hoá với một lượng du khách hàng năm đến tham quan, nghỉ dưỡng bên cạnh hoạt động của các loại xe chuyên dụng; sự gia tăng của các phương tiện xe ô tô cá nhân... đã tạo nên một áp lực lớn về điểm đỗ xe (giao thông tĩnh) ngay trong lòng TP Huế. Tình trạng xe đậu/đỗ dọc các tuyến đường phố đã trở nên phổ biến và có vẻ như, mật độ này đã tăng lên ngày mỗi nhiều hơn. Bây giờ ra đường, gần như con phố nào cũng có xe ô tô và cũng có thể trở thành điểm đậu/xe ô tô. Nó nhiều đến mức, ông Ngô Văn Tuân – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thừa Thiên Huế đã dự báo tại Hội nghị Tỉnh uỷ lần thứ 11 vừa qua rằng, từ nhà đến cơ quan làm việc, người tham gia giao thông hiện chỉ mất từ 5 đến 7 phút nhưng chỉ trong vài ba năm tới, số thời gian cần cho việc di chuyển này sẽ phải dao động trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút. Tắc đường cũng là một khả năng lớn rất dễ xảy ra dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để thông tuyến bằng việc mở đường, làm thêm cầu bắc qua sông Hương...
Đây đã trở thành vấn đề bức thiết cho sự phát triển của đô thị. Trong một chiều kích lớn hơn của sự phát triển ở thì tương lai mà Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để đạt tới, đây cũng là một trong những tiêu chí đặt ra. Thực ra, ngay từ năm 2007, tỉnh cũng đã có quy hoạch định hướng hệ thống giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận đến năm 2020. Mục tiêu mà quy hoạch này nhắm tới không có gì khác hơn là để hiện đại hoá hệ thống giao thông, đảm bảo văn minh và mỹ quan đô thị; Giải quyết nhu cầu về đỗ xe trên địa bàn thành phố và vùng phụ cận Phú Bài, Hương Trà, Thuận An và cụ thể hơn là để làm cơ sở cho việc quản lý và lập kế hoạch đầu tư xây dựng các thiết chế hạ tầng phục vụ giao thông tĩnh cho thành phố Huế và vùng phụ cận... Tuy nhiên, khi tham khảo, chúng tôi nhận thấy, gần như bản quy hoạch mới chỉ tính đến các điểm đỗ phục vụ du lịch (bao gồm các bến xe công cộng, bến thuyền và việc kết nối trung chuyển giữa chúng) mà chưa chú ý lắm đến các điểm giao thông tĩnh, phục vụ nhu cầu ngày thường của người sử dụng phương tiện tham gia giao thông. Đây là điều cần được điều chỉnh và khắc phục.
Cũng theo ông Ngô Văn Tuân khi phát biểu tại hội nghị mà chúng tôi đề cập ở trên, việc cần có một quỹ đất và việc hy sinh vài khu đất ngay trong TP Huế - đô thị hạt nhân là điều cần được ưu tiên, có tính cấp bách. Xác định vai trò đầu tiên và trước hết của Sở Giao thông vận tải trong việc đề xuất quỹ đất và “phải khẳng định cho được quỹ đất dành cho việc này và cần làm ngay đi” là kết luận liên quan đến vấn đề này của Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao và ông cũng xem đó như là một trong những hạng mục cần được thực hiện, không chỉ cho thời gian trước mắt...
Hạnh Nhi