Tập sách mỏng của nhà thơ Võ Quê và họa sĩ Đặng Mậu Triết đã hòa điệu thật nhịp nhàng. Trong mười bài ca Huế của Võ Quê có sáu bài ca viết cho sáu nhạc cụ: đàn tam, tỳ bà, nhị cầm, nguyệt cầm, đàn tranh, độc huyền cầm, với lời ca bay bổng nhằm ngợi ca người nhạc công cũng như nhạc cụ hòa âm cùng nhau giúp cho ca sĩ thăng hoa trong lúc thể hiện, đưa người nghe bềnh bồng trên sóng nước Hương Giang.
Hòa điệu vào sáu bài ca đó là sáu bức tranh của họa sĩ Đặng Mậu Triết vẽ sáu nhạc cụ tam, tỳ bà, nhị cầm, nguyệt cầm, đàn tranh và độc huyền cầm với sắc màu hòa quyện làm bật lên giá trị nghệ thuật của mỗi nhạc cụ qua mỗi cung bậc màu khác nhau. Hòa âm chính là bài ca Huế đầu tiên trong tập sách (được chọn làm nhan đề tập sách) viết theo thể tương tư khúc, chỉ một bài Hòa âm này của nhà thơ Võ Quê đã khiến người nghe liên tưởng đến sáu cây đàn qua hai câu: “Nguyệt vọng bầu tranh/thương cung tỳ hòa ngân tam nhị” hay thể hiện chất phóng khoáng trữ tình: “Đàn dạt dào thanh âm hương mùa bay/tương tư hoài cảm ngất ngây”
Hòa nhịp cùng lời ca, ngoài tiếng đàn còn có những tác phẩm hội họa cạnh mỗi bài, Đặng Mậu Triết đã dày công vẽ theo màu ngũ sắc Huế xuyên suốt trong chủ đề ca Huế cùng các nhạc cụ phục vụ trong buổi diễn trình ca Huế. Màu sắc lung linh cùng với những liên tưởng siêu hình, Đặng Mậu Triết đã kéo quá khứ về với hiện tại qua những hình ảnh và mảng khối gợi đến một khung cảnh huyền ảo trong tranh, trong đó có dấu vết của di sản văn hóa, có hình tượng của văn hóa dân gian và cả niềm hưng cảm của người nghệ sĩ ca Huế được anh thể hiện gợi lên một vẻ đẹp kín đáo đầy chất thơ.
Được biết, đây là tập sách thứ hai in chung của hai nghệ sĩ, ngoài tập Côn Đảo của đồng tác giả trên. Những bài ca Huế khác được viết theo thể hành vân, phú lục, phẩm tiết, hò mái nhì, nam bình, tương tư khúc, nam xuân... mỗi thể một cung bậc qua lời ca với nhiều hình ảnh của xứ Huế dập dìu theo điệu nhạc, như sông Hương, ánh trăng, con đò...
LAM SƠN