Chị Tố Hải tại khu di tích Chín Hầm

Chị đã tuổi ngoài 50, vừa được lên chức bà nội, nhưng trông chị vẫn còn trẻ lắm. Chỉ có điều tôi cảm nhận được là hình như trong đôi mắt chị, gợi lên một chút buồn man mác và hiển hiện những vết thâm quầng. Có lẽ không phải vì tuổi tác mà bởi mấy hôm rồi hành trình từ Hà Nội vào Huế để thắp hương cho bố, chị cứ đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác. Có lúc chị lại ngủ ở đó qua đêm để mong tìm một chút hơi ấm của người bố mà suốt cuộc đời chị chưa hề biết mặt.

Qua trò chuyện thân mật, chị Tố Hải xúc động kể cho tôi nghe về hành trình hơn 10 năm vào Nam ra Bắc và rong ruổi suốt dải đất miền Trung để tìm mộ người bố đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hễ ở đâu nghe có thông tin gì mới về tung tích của bố, chị lại tức tốc lên đường tìm manh mối mong tìm được nơi yên nghỉ của bố. Thế rồi, đồng đội của bố chị cho biết ông Nguyễn Văn Lành (bố chị Hải) đã hy sinh trong trận đánh ở thôn Cao Ban, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 22/3/1966, khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt.

Những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ trước, cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày một leo thang, Mỹ ồ ạt đưa quân đội vào tham chiến ở chiến trường miền Nam. Năm 1965, theo lệnh tổng động viên, bố chị gác lại công việc của một cán bộ thủy văn ở sông Bôi, xung phong lên đường vào miền Nam, mà lúc ấy những người miền Bắc gọi là đi B.  Chị xúc động kể lại câu chuyện mà mẹ chị vẫn thường hay nhắc đến. Ngày bố chị lên đường vào chiến trường miền Nam, mẹ chị bế con ra tiễn đưa chồng, bố chị xòe bàn tay của cô con gái mới 5 tháng tuổi, nhổ vào bãi nước bọt vào lòng bàn tay, rồi xoa xoa nắm chặt đôi bàn tay nhỏ bé tí xíu, hẹn ngày bố nhất định trở về…Nhưng có ai ngờ lần chia tay ấy, lại là lần cuối cùng và bố chị đã hy sinh, ra đi mãi mãi…

Thời gian thấm thoắt trôi qua, những mất mát do chiến tranh cũng dần dần được hàn gắn phần nào, nhưng có một vết thương, một nỗi đau không bao giờ bù đắp được, đó là con gái lớn lên trong sự  thiếu thốn hơi ấm, tình thương của bố, còn mẹ chị trở thành người quả phụ…Chị Tố Hải lớn lên trong vòng tay yêu thương chở che của mẹ và người anh trai lớn hơn chị 2 tuổi. Có lẽ ngay từ tuổi thơ, chị đã hiểu được phần nào sự thiếu vắng người cha, nên chị ý thức chăm chỉ học hành, luôn là học sinh xuất sắc trong học tập và năng nổ trong các hoạt động văn hóa văn nghệ… Và rồi ước mơ giản dị của chị đã trở thành hiện thực, chị trở thành cô giáo dạy văn, ngày ngày lên bục giảng chăm lo sự nghiệp giáo dục trồng người.

Chị Hải bùi ngùi xúc động kể, từ những năm đầu thập niên của thế kỷ XXI, chị đã nghĩ đến việc tìm kiếm hài cốt của cha, thế nhưng, lúc đó cuộc sống vẫn còn chồng chất khó khăn nối tiếp khó khăn, nên mãi đến năm 2006, khi cuộc sống gia đình có điều kiện hơn một chút, chị mới quyết tâm đi tìm bố. Lần đầu tiên trên chuyến hành trình từ Bắc vào Nam, khi đặt chân đến vùng đất Hà Tĩnh, trước mắt chị là hình ảnh dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi từng in dấu bước chân người bố và lúc đó bao nhiêu cảm xúc ùa về trong tâm trí chị. Lúc đó chị lại nghĩ, núi non bao la thế này biết tìm bố ở đâu? Rồi nước mắt cô con gái tìm bố cứ tuôn trào như mưa dọc suốt quãng đường. Thông qua người giới thiệu, ông Sơn ở Phan Rang, Ninh Thuận đã cho chị biết bố chị đã được quy tập đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phong Điền, đang yên nghỉ cùng hàng ngàn đồng đội khác ở đây. Mặc dù những thông tin đó còn một chút mơ hồ, nhưng với chị Hải đó là một ân huệ lớn mà cuộc đời đã ban tặng cho chị trên hành trình hơn 10 năm lặn lội tìm bố, và giờ đây với chị Hải đã có một người bố, một mái ấm để trở về.

Thế là cứ mỗi năm đến dịp nghỉ hè, cũng là dịp cả nước kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, chị lại trở về Huế để thắp nén hương cho bố. Với chị, Huế là quê hương thứ hai, được trở về Huế là trở về với mái ấm, với tình yêu thương ấm áp của bố.

Chia tay chị Tố Hải khi nắng vàng đã tắt, một mùa thu với bao hoài niệm chen vào những ký ức khó quên. Tôi trở về nhà sau một ngày dài, nằm thiếp đi mà lòng còn day dứt. Bởi cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm rồi mà những nỗi đau mất mát vẫn chưa nguôi. Tôi càng thấm thía hơn cái giá hoà bình thống nhất mà đất nước chúng ta phải trả, biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ đã hòa tan vào trong đất.

  Bài, ảnh: Ngọc Kiêm