Lợi nhuận lớn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ hồ nuôi ở thôn Bạch Thạch, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc cho biết, do nuôi tôm sú thường xuyên bị dịch, bệnh chết, thua lỗ kéo dài nên ông cùng 4 hộ góp vốn chuyển sang nuôi tôm TCT trên diện tích gần 4 ha. Vụ đầu tiên năm 2012, 5 hộ đầu tư hơn 1 tỷ đồng thả nuôi, thu được 24 tấn thương phẩm. Mặc dù giá tôm thời điểm đó thấp (30.000 đồng/kg), nhưng 5 hộ vẫn lãi ròng gần 800 triệu đồng. Năm nay, theo ước tính của ông, cũng từng đó diện tích thả nuôi tôm TCT, 5 hộ sẽ có lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần (do giá tôm cao). Ông Tuấn kể, trước đây nuôi tôm sú, dịch bệnh xảy ra nhiều như: bệnh đóng rong, đứt râu..., hàng tuần phải dùng hóa chất để trị bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Riêng, bệnh thân trắng và bệnh đốm trắng thì tôm chết hàng loạt, gây ô nhiễm môi trường càng nặng hơn. Từ ngày chuyển sang nuôi tôm TCT, dịch bệnh thường xuất hiện ở tôm sú không thấy ở tôm TCT. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không còn xảy ra.

 Nuôi tôm TCT trên đầm phá ở thôn Bạch Thạch (Lộc Điền, Phú Lộc)

Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh đã nêu rõ: Nghiêm cấm tất cả các tổ chức, cá nhân tiến hành mọi hoạt động sản xuất, vận chuyển, dịch vụ từ bên ngoài vào để thuần dưỡng và thả nuôi tôm TCT trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô, gồm tất cả các ao cao triều, trung triều, hạ triều dưới mọi hình thức. Các tổ chức, cá nhân có hành vi thả nuôi tôm chân trắng vi phạm Chỉ thị này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 128/2005/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản. UBND tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc Sở Thuỷ sản (cũ), các ban ngành liên quan, các địa phương có trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện. Đặc biệt, địa phương nào để người dân tiếp tục thả nuôi tôm chân trắng trên các ao hồ thuộc vùng cấm nuôi tại địa phương đó thì chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND huyện.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Lê Văn Thảo, người nuôi tôm TCT tại thôn Bát Sơn, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc cho rằng, nuôi tôm TCT giúp gia đình ông trả khoản nợ ngân hàng do đã nuôi tôm sú thua lỗ trước đây. Riêng năm 2012, gia đình ông lãi 300 triệu đồng từ nuôi tôm TCT. Nếu tiếp tục nuôi, ông nghĩ hiệu quả sẽ rất thiết thực, bởi tôm TCT ít bị bệnh, thời gian nuôi ngắn (75 đến 90 ngày), trong khi đó, tôm sú nuôi phải từ 120 đến 130 ngày mới cho thu hoạch. Theo ông Thảo, hiện nay ngành chức năng cảnh báo, nuôi tôm TCT trên đầm phá gây ô nhiễm môi trường là không có cơ sở khoa học, bởi tôm sú và tôm TCT cũng như các loài nuôi khác đều gây ô nhiễm môi trường. Tại sao lại cấm nuôi tôm TCT?!

Xã Lộc Điền có 229 hộ nuôi tôm trên đầm phá với diện tích 179 ha, trong đó có 8 hộ nuôi tôm TCT. Theo phản ánh của người dân, do nuôi tôm sú bị nhiều dịch bệnh, thua lỗ nên đã có một số hộ chuyển qua nuôi tôm TCT, bất chấp Chỉ thị cấm nuôi của UBND tỉnh.

Tôm TCT gây ô nhiễm môi trường

Cảnh báo của ngành thủy sản, tôm TCT có nhiều nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh như: đốm trắng, thân trắng, phân trắng, phát sáng, đỏ thân, vàng mang… Đặc biệt, hội chứng Taura trên tôm TCT gây hủy hoại môi trường sinh thái tự nhiên trong thời gian dài, nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, chữa trị, dập dịch hữu hiệu. Phát triển nuôi tôm TCT sẽ tăng khả năng du nhập vi-rút ngoại lai vào các vùng nuôi, gây ảnh hưởng hệ đa dạng sinh học vùng nuôi, nhất là vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô. Bước đầu nuôi, khi môi trường khu vực nuôi chưa ô nhiễm, tôm sẽ phát triển bình thường. Sau một thời gian thả nuôi, mức độ ô nhiễm sẽ tăng lên, lúc đó, tôm sẽ chết, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Hơn nữa, quy trình nuôi tôm TCT rất khắt khe, phải theo mô hình nuôi công nghiệp, khép kín. Trong đó, hồ nuôi phải trải bạt bạc toàn bộ; mực nước ao nuôi từ 1,5-2m; có ao trữ, ao lắng và hệ thống cấp thoát nước đáp ứng yêu cầu xả mùn bã đáy ao (xi-phông đáy) mỗi ngày; có hệ thống oxy đáy; hệ thống quạt nước tạo được các khu vực gom mùn bã đáy ao, thời gian quạt nước 24/24 giờ…

Để tạo điều kiện cho các tổ chức và các hộ dân nuôi tôm TCT, UBND tỉnh và các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc đã quy hoạch 1.300ha vùng cát trên biển. Trong đó, Phong Điền đã quy hoạch được 1.000ha, còn lại 300 ha là của các huyện khác. Đến nay, diện tích nuôi đã được các đơn vị và người dân đăng ký nuôi là 600ha và đã thả nuôi là 350ha. Năng suất bình quân đạt 14,1tấn/ha. Ngoài việc quy hoạch nuôi tôm TCT trên cát, ngành thủy sản đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân nuôi trồng thủy sản bền vững bằng việc nuôi xen ghép tôm sú-cua-cá, tạo ra năng suất cao, đảm bảo môi trường nuôi trồng bền vững.

Trước thực trạng một số hộ bất chấp Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND ngày 27/3/2007 của UBND tỉnh về việc cấm thả nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô, đầu năm 2013, Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lộc phối hợp với Chi cục nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra. Qua phát hiện và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ở các địa phương: thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Điền với tổng diện tích là: 8,4ha. Trong đó, thị trấn Lăng Cô 3,1 ha/6 hộ nuôi, Lộc Điền 5,3ha/7 hộ nuôi. Đoàn đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đối với các trường hợp vi phạm.

Liên quan đến những hộ vi phạm, tự ý nuôi tôm TCT trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô, UBND huyện Phú Lộc đã có văn bản yêu cầu UBND thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Điền phải thông báo các hộ vi phạm khẩn trương thu hoạch, di chuyển toàn bộ tôm TCT đã nuôi ra khỏi khu vực đầm phá. Nếu các hộ không tự giác chấp hành, yêu cầu UBND xã Lộc Điền, thị trấn Lăng Cô củng cố hồ sơ, ban hành quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản:
 
Thực hiện nghiêm Chỉ thị của UBND tỉnh
 
Chi cục Nuôi trồng thủy sản đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về vùng được nuôi, vùng cấm nuôi tôm TCT đến hộ nuôi tôm cũng như khuyến cáo đến hộ nuôi tôm các tác hại của tôm TCT đối với môi trường nước; nhất là khu vực đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương giám sát các tổ chức, các hội nghề nghiệp, người nuôi thuộc vùng đầm phá, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Quan điểm của ngành thủy sản là vẫn phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của UBND tỉnh, tức là cấm nuôi tôm TCT trên đầm phá. Ai vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng việc nuôi tôm TCT, phải thực hiện nuôi trên vùng cát ven biển theo đúng quy trình nuôi.
 
Ông Lê Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền (Phú Lộc):
 
Cưỡng chế đối với những hộ vi phạm
 
Hiện nay, trên địa bàn xã có 7 hộ tham gia nuôi tôm TCT ở 2 thôn Bạch Thạch và Bát Sơn. Mặc dù, các hộ đã làm cam kết từ lúc cải tạo ao hồ là không nuôi tôm TCT, nhưng vẫn thả nuôi. Quá trình nuôi, các ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã đã 7 lần nhắc nhở; tuy nhiên, các hộ vẫn không chấp hành ngừng nuôi tôm TCT trên đầm phá. Hiện nay, UBND xã đã đề ra kế hoạch cưỡng chế đối với các hộ vi phạm và sẽ được triển khai cưỡng chế trong thời gian tới. Đây là biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng tự ý thả nuôi tôm TCT trên đầm phá, đảm bảo nuôi trồng thủy sản bền vững; đồng thời, giữ vững kỷ cương pháp luật, đảm bảo công bằng xã hội.
 
Ông Võ Sông Hương, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, Trưởng phòng Quản lý giống thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản:
 
Nuôi tôm TCT trên đầm phá không đảm bảo
 
Nuôi tôm TCT đòi hỏi kỹ thuật rất cao, quy trình nuôi cũng rất khắt khe và phải nuôi theo hướng công nghiệp. Vì vậy, việc thả nuôi tôm TCT trên đầm phá là không đảm bảo với 4 lý do. Thứ nhất, điều kiện hạ tầng vùng đầm phá không đảm bảo, như hồ nuôi không có ao lắng, ao chứa, ao xử lý nước thải. Thứ hai, chất lượng con giống không đảm bảo, bởi không có cơ sở sản xuất giống tôm TCT trên địa bàn. Hơn nữa, cơ quan chức năng chưa kiểm soát con giống một cách toàn diện, dẫn đến việc tôm nuôi dễ dịch bệnh chết, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả nuôi. Thứ ba, tôm TCT đào thải ra một lượng chất thải lớn, gây ô nhiễm môi trường cho đầm phá, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản bền vững. Thứ tư, tôm TCT mắc nhiều loại bệnh như tôm sú; đặc biệt là bệnh đốm trắng, Taura… dẫn đến chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho người thả nuôi.
 
Thanh Hải (thực hiện) 

 

Bài và ảnh: Hải Huế