Không biết ở Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp đón nhận chương trình này như thế nào nhưng trong một báo cáo đánh giá toàn diện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2017, chúng ta thấy không có một đánh giá nào đề cập đến vấn đề  này.

Dù lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng thấp và giá trị đóng góp vào tăng trưởng kinh tế không cao, nhưng nông nghiệp – nông dân – nông thôn luôn là vấn đề lớn trong phát triển. Là vì tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn vẫn còn cao và đa phần có mức sống thấp. Hơn nữa, khu vực nông thôn là một vùng đất đai rộng lớn có thể khai thác để đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn như hiện tại. Phát triển được lĩnh vực nông nghiệp, sẽ thúc đẩy cải thiện đời sống người dân, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, mà bắt đầu là đổi mới trong nông nghiệp, nhìn lại, chúng ta có thể thấy nông nghiệp và nông thôn đã có những bước tiến rất dài. Điều quan trọng nhất phát triển nông nghiệp là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thật để nâng cao năng suất chất lượng cây trồng - vật nuôi đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Hiệu quả sử dụng đất trên mỗi đơn vị diện tích cũng được nâng lên ở mức khá cao. Hạ tầng nông thôn được cải thiện nhiều

Tuy nhiên đến thời điểm này, khi mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão; hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, nếu duy trì cách thức vận hành nông nghiệp như thời gian trước đây và kể cả như hiện tại rõ ràng là có nhiều điểm không còn phù hợp. Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một xu hướng.

Từ một nền nông nghiệp có điểm xuất phát chưa phải là cao, để chuyển sang nền nông nghiệp công nghệ cao - nghĩa là công nghệ phải là mấu chốt, can thiệp sâu vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế không phải nói là làm được ngay. Nhưng điều quan trọng lúc này, chí ít là nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong hiện tại và tương lai. Để từ đó chúng ta “thiết kế”, chọn bước đi và lĩnh vực phát triển phù hợp.

Ví dụ như Thừa Thiên Huế có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Thế thì trong nuôi trồng thủy sản nên ưu tiên chọn đối tượng nào để áp dụng công nghệ vào sản xuất? Có phải là nuôi tôm?! Trong nuôi tôm nên chăng chọn khâu đầu tiên là sản xuất con giống. Chúng ta có thời điểm phát triển diện tích nuôi tôm rất lớn nhưng lại không chủ động được nguồn giống tại chỗ. Chưa nói đến công nghệ cao mà chỉ nhìn ở khía cạnh thị trường thì lĩnh vực này đã có nhiều ưu thế để đầu tư. Khi đã thành công trong khâu tạo con giống thì có thể “loang” ra các lĩnh vực tiếp theo như nuôi trồng, chế biến...

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chẳng những giải quyết được bài toán chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế mà là một yếu tố kiểm soát rủi ro có hiệu quả. Một khi phát triển cây trồng - vật nuôi lên mức độ hàng hóa quy mô lớn mà không kiểm soát được chất lượng, hạn chế các yếu tố tác động thì rủi ro sẽ rất cao. Nhiều lĩnh vực của nền nông nghiệp của chúng ta đang trong tình trạng này.

Nguyên Lê