Một chút lịch sử

Theo cuốn Guide de l’ Annam của Ph. Éberhardt (thầy dạy Pháp văn của vua Duy Tân) thì đầu thế kỷ XX, ngành du lịch Huế ra đời cùng thời với Nhà hàng Khách sạn Morin Huế. Từ khi ra đời cho đến năm 1954, ngành du lịch Huế đứng đầu các tỉnh miền Trung. Suốt nửa thế kỷ ấy, du lịch Huế được thế giới biết đến với các tên gọi được xem như những slogan như sau:

Huế - Kinh đô kỳ quan (Hué - La Merveilleuse Capitale).

Huế, bí ẩn (Hué, la mystérieuse)

Sau năm 1980, những người Pháp bạn của Huế, vận động khách du lịch đến Huế với slogan: “Huế bí ẩn và khám phá” (Hué, les mystérieuses et découvertes).

Cũng trong thời gian sau năm 1980, UNESCO cũng đã đặt cho Huế nhiều khẩu hiệu hấp dẫn khác:

“Huế luôn luôn mới” -  “Huế luôn luôn phải bắt đầu trở lại”,

“Hué toujours recommencé” - “Hue – is alway renewed”.

“Huế-Bài thơ đô thị tuyệt tác” (Un chef – d’oeuvre de poésie urbaine).

Các slogan trên, do các học giả Pháp đặt cho Huế về tính cách khác biệt của lịch sử văn hóa Huế hoặc UNESCO đặt cho Huế để vận động quốc tế giúp trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử Huế chứ chưa thể hiện được cái thế mạnh khác biệt độc đáo của Huế có sức hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế. Vì thế, những slogan ấy chỉ còn lưu lại trong sổ sách các nhà nghiên cứu Huế mà thôi.

Lời "tỏ tình" huyền nhiệm

Slogan là sức mạnh của một địa phương, một hãng buôn, một mặt hàng... mà chỉ được tóm gọn trong mấy chữ. Càng ngắn gọn, càng mạnh. Ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung, tính chất khác biệt, cam kết trung thực bền vững.

Các nhà thiết kế slogan quan niệm, slogan là lời "tỏ tình" huyền nhiệm để “dụ” khách hàng. Khách hàng bây giờ không tin vào những trò quảng cáo nhiều lời. Khách hàng bị thu hút bởi sự cảm nhận ẩn chứa giấu trong các slogan chứ không phải bằng lời thuyết minh đầy đủ, cặn kẽ. Muốn thiết kế một slogan, theo tôi phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt.

- Nghiên cứu “Ta giữa cõi người”. Trước nhất ta phải biết bản thân có gì hấp dẫn khách hàng (Ví dụ cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, yên tĩnh, an toàn, trung thực). Thực hiện một cuộc thăm dò, khảo sát xem thử lâu nay khách đến Huế thích enjoy cái gì và những gì ta muốn bán mà có quá ít người mua;

- Phân khúc thị trường, tìm hiểu sự khác biệt giữa khách Âu và khách Á, khách trong nước miền Bắc hay miền Nam, các lứa tuổi;

- Định vị thị trường, họ thích và có nhận xét như thế nào. Cần phát huy và khắc phục cái gì thỏa mãn cho từng đối tượng;

- Quá trình thực hiện, thỏa mãn các yêu cầu, cam kết trung thực bền vững trong một cụm từ ngắn gọn;

Về nguyên tắc là như thế, tôi không có điều kiện đi khảo sát thăm dò để có thông tin chính xác nên tôi không thể đề xuất một slogan xuất phát từ những gợi ý trên.

Một vài trải nghiệm cá nhân

Với hiểu biết của một người cầm bút xứ Huế, tôi muốn giới thiệu vị trí của Huế trong lịch sử Việt Nam. Huế, nơi gọi là bản lề của hai nước Đại Việt và Cham-pa, có một nền văn hóa mang những yếu tố mạnh mẽ, trong sáng của nước Đại Việt ở phía Bắc hòa quyện với nền văn hóa sâu lắng và da diết của Chăm-pa ở phía Nam. Huế có triều đại Quang Trung anh hùng, có uy thế nhất đối với nước Trung Hoa hùng mạnh ở phía Bắc. Huế có triều đại Nguyễn cuối cùng của thời quân chủ ở Việt Nam thống nhất, rộng lớn nhất, giàu có nhất, đã xây dựng nên một triều đại huy hoàng nhất, để lại một Di sản Kinh thành hoàn chỉnh độc nhất ở Đông Nam Á. Về địa thế có đầy đủ rừng nguyên sinh, đồi núi như Đà Lạt, ruộng đồng như Nam bộ, làng mạc như Bắc bộ, biển Thuận An - biển Lăng Cô giống như Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang. Có sông Hương và đầm phá Tam Giang hiếm có ở Việt Nam. Cho nên theo cách giới thiệu ấy, tôi sẽ đặt slogan (khẩu hiệu) cho Huế là “Đến Huế hiểu Việt Nam”.

Tôi muốn giới thiệu Huế có nhiều di sản văn hóa nhân loại, trong không gian xanh yên tĩnh mà hiện nay trên thế giới cũng như các địa phương khác ở Việt Nam “không nơi nào có được”, nói đúng hơn là ít nơi nào có được. Đây là cái vốn quý của Huế mà nhân loại rất ngưỡng mộ. Muốn giới thiệu Huế theo cách này, tôi sẽ lấy slogan của Huế là “Huế - Di sản nhân loại trong khu vườn cổ tích”.

Tôi muốn giới thiệu Huế - thành phố Festival, ẩm thực độc đáo, phong phú, thưởng thức Nhã nhạc cung đình, nghe ca Huế trên sông Hương, dự các khóa tu Thiền... tôi sẽ chọn slogan cho Huế là “Huế - Không đến rồi sẽ tiếc”.

Tôi là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Sử học Việt Nam, Hội viên Hội Di sản Việt Nam, thành viên Hội đồng Khoa học TTNC Quốc học, được bạn đọc phong cho danh hiệu Nhà Huế học… Nhưng mỗi danh hiệu chỉ thể hiện được một mặt nào đó của tôi chứ chưa phải tôi. Sau nhiều năm thử nghiệm, tôi tìm được cái slogan cho tôi là Người cầm bút xứ Huế - a Pen of Hue, un Crivant de Hué (không phải écrivain). Không giống ai. Người cầm bút xứ Huế có thể viết truyện, làm thơ, viết báo, viết bình luận, nghiên cứu văn hóa lịch sử liên quan đến Huế... Sản phẩm của cây bút của tôi có đầy đủ các loại hình ấy.

* * *

Đã đến lúc phải chấm dứt thời đại đến hẹn lại lên, đến đâu hay đó. Huế phải có một slogan mạnh. Đó không những là cái lực thu hút khách hàng mà cũng là phương hướng phát triển của xã hội hướng về tương lai.

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐẮC XUÂN