Mới nắng cháy đó mà đã sang thu. Trái đất, bốn mùa hẳn là vẫn quay vòng như muôn thuở, nhưng năm nay, “ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi” hình như có ấn tượng hơn. Vì hàng mấy chục triệu người vừa trải qua những ngày hè bức bối với đợt nắng nóng bất thường thiêu đốt không chỉ ở “chảo lửa” Bình - Trị - Thiên, Nghệ - Tĩnh… mà kéo suốt tận Nha Trang khiến bãi biển chật như nêm; và ở Hà Nội, người ta có thể rán trứng bằng sức nóng mặt trời...

Cây nhãn trước một ngôi nhà đường Hàn Thuyên

Vậy nhưng ở Huế lại có không ít gia đình… “coi khinh” cái nắng ấy nhờ có những cây nhãn quanh nhà xòe tán lá xanh sẫm quanh năm như chiếc ô khổng lồ che chắn ánh mặt trời thiêu đốt. Dưới bóng mát ấy, các em nhỏ vô tư chơi đùa, mấy cụ già mải mê đấu cờ tướng, khoái chí “nhảy pháo”, “chiếu song xe”… Có điều, ngày nay, những gia đình sống an nhiên giữa các khu vườn xanh um cây lá ấy ít hơn xưa. Đáng tiếc là có một thời bị cảnh báo bởi cái quy định tương tự như “hạn điền”, nhiều nhà có vườn rộng phải cắt bán bớt hay chia cho con cháu, đành “hy sinh” không ít gốc nhãn đã thành cổ thụ, chứng kiến bao nỗi buồn vui của đời người.

Cũng may gia đình cạnh nhà tôi còn giữ được gốc nhãn. Tôi không được hưởng bóng mát ấy nhưng vài tháng một lần, lại sang xin… một nắm lá. Cũng hơi lạ, xin lá, chứ không xin quả - thứ trái cây ngon ngọt đến mức vừa trông thấy đã… chảy nước miếng vì thèm. Tôi xin lá để làm… nước tương theo phương pháp “cổ điển”, ngày nay là của hiếm.

Chính vì một dạo có tin nước tương pha chế “hiện đại” mất vệ sinh, có khi còn nhiễm hóa chất độc hại, tôi tự chế nước tương theo cách mẹ tôi làm ngày xưa ở quê. Công đoạn đầu tiên là nấu xôi, ủ trong rổ, đậy kín bằng lá nhãn 7 ngày để lên men; sau đó trộn với đậu nành rang, xay nhỏ và nước muối trong vại rồi đem phơi nắng, sau khoảng 1 tháng là thành nước tương ngon lành.

Mà tại sao lại dùng lá nhãn để ủ xôi? Có phải dùng xấp lá nhãn ủ xôi vừa kín, vừa thông khí, lại không bị nát, khiến xôi dễ lên men? Và, tôi “say mê” nhắc cái vại nước tương “cổ điển” với chùm lá nhãn vì nó gợi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên quanh hai cây nhãn tỏa bóng mát bốn mùa trên khoảnh sân ngôi nhà ở quê hương. Mẹ tôi xây dựng khu nhà - vườn khi bố tôi còn làm việc ở Huế. Hẳn là từng sống dưới bóng mát những cây nhãn sum suê cành lá và “thưởng” món chè sen - long nhãn ở Huế, nên bố mẹ tôi đã “ưu tiên” dành khoảnh đất đẹp nhất trước nhà trồng hai cây nhãn.

Tôi lớn lên thì nhãn đã đơm hoa đón ong về ngày xuân và sang thu, những chùm quả tròn căng mọng lúc lỉu “nhem thèm” lũ trẻ suốt ngày. Nhưng được ăn trước hết lại là bầy dơi, khi quả nhãn chưa đủ lớn để có thể che chắn chúng trong những lồng đan bằng nứa hoặc mo cau. Mẹ tôi hù dọa đuổi chúng bằng cách treo cái thùng sắt tây rỗng trên cao; đêm đêm, khi bầy dơi đập cánh loạt xoạt sà xuống hai cây nhãn, chúng tôi giật sợi dây khiến cái thùng kêu xủng xoảng. Tôi thường được giao “canh” dơi đầu đêm, nhưng nhiều lúc ngủ quên, mẹ tôi nhẹ bước lại, vừa giật dây, vừa bảo: “Ngủ chi lắm rứa! Dơi ăn hết nhãn rồi tề!”. Tôi bừng tỉnh, trong khi bầy dơi hốt hoảng vỗ cánh bay đi nhưng chú tâm hơn đến tiếng những quả nhãn rơi lộp bộp trên sân gạch với chút thích thú là sáng mai, mình có thể “kiếm” được dăm quả đầu mùa …

Đó là những ngày thu đã xa… Những ngày thu ấy, cũng là Mùa Thu Cách Mạng 1945, chị tôi là nữ sinh Đồng Khánh thuộc nhóm thức thời (như Cẩm Thạnh, Nguyệt Tú…) sớm biết yêu thơ Tố Hữu, náo nức “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, rời Huế về quê rủ anh tôi - một “cậu Tú” đi theo Việt Minh. Và khi những trung đoàn chủ lực tập trung luyện quân, chuẩn bị tiếp sức cho “Bình Trị Thiên khói lửa” thì dưới bóng hai cây nhãn ấy, đã bao lần rộn ràng tiếng hát kết đoàn của các chú bộ đội ghé nghỉ lại, trước khi ra trận. Cả tướng Nguyễn Sơn lừng danh cũng đã từng in dấu chân nơi đây… Thời ấy, mẹ tôi đang là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ của xã…

Cây nhãn bên Nhà thờ cụ Phan Bội Châu

Hơn một “lục thập hoa giáp” đã qua, kể từ những ngày vui rộn ràng tiếng bước chân, tiếng nói, tiếng cười “xôn xao làng quê bé nhỏ” ấy. Đến nay, hầu như tất cả đã “bay” đến một cõi khác.

Nay thì đã lại là thu. Dù nhuận tháng 6 (âm lịch) thì những tờ lịch tháng 7 đã rơi hết và ngoài trời thỉnh thoảng “thánh thót giọt thu” rồi hửng nắng. Năm nay, mất mùa nhãn, nhưng nhìn mấy cây nhãn tỏa bóng xanh mát quanh nhà thờ cụ Phan trên dốc Bến Ngự hay trước sân ngôi nhà cổ có biển hiệu “Tức Mặc Viên” ở đường Hàn Thuyên, cảm thấy những bất an trong cuộc sống như vơi nhẹ đi. Trong ánh chiều dịu nhẹ, tôi đi qua chợ Bến Ngự, dừng bước trước những quầy bán nhãn lồng, từng chùm quả tròn căng, chưa nếm thử, đã phải… nuốt khéo nước bọt, để khỏi bị cô bán hàng chê cười.

Còn chè sen long nhãn không biết còn quán nào bán không? Hình như từ ngày vô Huế, chỉ một lần, tôi được “thưởng” món chè “tiến cung” này tại nhà bà Tuần Chi - cựu Hiệu trưởng Đồng Khánh Huế- ở khu nhà vườn An Hiên miệt Kim Long…

Những bóng nhãn im mát thì vẫn còn đó, nhưng quả ngon, chè ngọt thì hình như chưa ai nghĩ đến việc “chắp cánh” cho nó bay xa… Kể cũng tiếc, vì đâu phải chỉ có nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng; khác với những loại quả khác như cam Xã Đoài (Nghệ An), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), thanh trà (Huế)… nếu “di cư” đến vùng đất khác là mất “thiêng”; còn nhãn thì tôi đã có dịp nếm thử, ở đâu xa ngái nữa không biết, chứ nhãn ở Nghệ Tĩnh hay suốt dải Bình Trị Thiên, đều ngon chẳng kém chi nhãn Hưng Yên, chỉ thua là không có vùng chuyên canh nên quả nhãn chưa trở thành một mặt hàng có giá trị kinh tế đáng kể. Dù sao, dưới bóng những gốc nhãn cắm sâu vào lòng đất mẹ, biết bao con người ở vùng đất khắc nghiệt đã được chở che trong những cơn nắng đổ lửa sẽ ngày một gay gắt hơn, khi trái đất đang bị nung nóng khắp nơi nơi…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ