Sẽ có thêm nguồn tài chính để chống mất rừng, quản lý rừng bền vững (trong ảnh: rừng trồng tại Phong Mỹ, Phong Điền)

Tại Hội nghị các nước thành viên lần thứ 11 (COP11) của Công ước khung của Liên Hợp Quốc, khái niệm “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng” (gọi tắt là REDD) lần đầu tiên được thảo luận.

Đến COP 13 tại Bali năm 2007, thêm ba hoạt động được giới thiệu để hình thành REDD+ là quản lý rừng bền vững, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.

Sáng kiến về REED+ nhằm cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH.

Việc thực hiện REDD+ đã được Việt Nam cam kết mạnh mẽ thông qua những điều luật, chính sách được đưa ra; đồng thời phù hợp với các chính sách nhằm thích ứng với BĐKH như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch phát triển và bảo vệ rừng quốc gia giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện thành công REDD+ sẽ giúp Việt Nam có thêm nguồn tài chính từ cộng đồng quốc tế, để chi trả dựa trên các kết quả thực hiện REDD+.

Theo đó, các chủ rừng và các bên liên quan được chi trả cho những nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng và trồng, bảo vệ, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững... Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng, bổ sung cho Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng mà Việt Nam đang triển khai.

Tháng 9/2016, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo mức độ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Hội nghị các nước thành viên lần thứ 22 của FCPF (Quỹ đối tác các-bon Lâm nghiệp). Qua đó, Việt Nam có thể chuyển sang giai đoạn thực hiện chi trả giảm phát thải dựa trên kết quả.

Cột mốc quan trọng khác trong nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết mất rừng và suy thoái rừng và xúc tiến phục hồi rừng, quản lý rừng bền vững và bảo tồn khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động REDD+ Quốc gia giai đoạn 2017-2030 (NRAP mới thay thế PRAP giai đoạn 2011- 2020) (Quyết định 419).

NRAP đã được cập nhật, bao quát các chính sách và biện pháp dựa trên việc phân tích toàn diện nhất các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng, cũng như các trở ngại đối với các hoạt động thuộc phần “+” đã được thực hiện trong nước.

Đến nay, có 46 chương trình, dự án về REDD+ đã và đang được thực hiện ở Việt Nam. Trong đó phải kể đến Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn 1 (2009-2012), giai đoạn 2 (2013-2018) được Chính phủ Na Uy tài trợ và Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác các-bon Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, trong đó có triển khai Chương trình Giảm phát thải (ERPD) chi trả tài chính dựa trên kết quả giảm phát thải ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP) theo Quyết định 419 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoài Nguyên