Nhưng từ ngàn xưa cho đến đời nay, muốn có hạnh phúc phải chấp nhận khổ đau. Để có một hệ thống cây xanh Huế đẹp thật sự khiến bạn bè gần xa, du khách khắp năm châu bốn bể đều khen ngợi, đến Huế một lần rồi lại muốn đến lần hai, rời Huế trong niềm vấn vương khó dứt, rồi truyền miệng khiến cho bạn bè phải nao nao ước ao đến Huế để khám phá cái đẹp nhân văn phảng phất qua làn cây xanh bao trùm cảnh quan, di tích. Có nghĩa là, “nói gần, nói xa không qua nói thật”, phải chọn những giải pháp thích hợp nhất để xây dựng một dự án tái quy hoạch cây xanh cho toàn thành phố Huế, song song với những nỗ lực xây dựng thành phố trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dù phải chấp nhận đổi thay những gì sẵn có nhưng chưa phù hợp cho dù phải đầu tư cao.
Mái hiên di động đè bẹp cây xanh |
Theo tôi, trước hết phải tiến hành mở cuộc tổng điều tra để nắm thật chắc, thật cụ thể hiện trạng cây xanh từng đường phố, từng công viên, công sở, trường học, quần thể di tích lịch sử - văn hóa, bờ sông, kênh hào...
Dựa vào kết quả điều tra để xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng cây xanh Huế đồng thời phân tích, mổ xẻ làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng mục tiêu cụ thể và đề ra những nội dung thiết thực cho dự án tái quy hoạch cây xanh.
Trong tái quy hoạch, cần ưu tiên chỉnh sửa những đường phố vốn đã có cây xanh định hình về chủng loại, nhưng chưa đồng bộ về kích cỡ, dáng thế, sức sống... Đầu tư thay thế những cây không đạt tiêu chuẩn, cương quyết loại trừ các hiện tượng tác động tiêu cực lên cây xanh để trong một thời gian ngắn có được con đường đẹp.
Tổ văn hóa ứng xử chưa văn hóa với cây xanh |
Nếu xét thấy cây xanh vỉa hè đường phố nào bộc lộ nhược điểm gây ô nhiễm nặng cho môi trường, chống chịu kém, gây phản cảm mỹ thuật đô thị... thì mạnh dạn thay thế đồng loạt một chủng loại cây xanh mới phù hợp, có tính bền vững hơn.
Trước đây, do phải chọn giải pháp tình thế trong thực tế cấp bách, đã trồng tràn lan thiếu quy hoạch một vài loài cây xanh nào đó mà nay xét thấy có nguy cơ phá vỡ tính quy hoạch tổng thể và tính truyền thống văn hóa Huế thì cũng mạnh dạn trục xuất để hay thế cho thích hợp. Cây bằng lăng chẳng hạn, hầu như hiện nay ở đâu, đường phố, khu phố nào cũng có mặt nó, nếu không thành hàng hàng, lớp lớp thì cũng lỗ chỗ chen chân, điểm mặt đến mức dân Huế hễ ra đường là thấy bằng lăng.
Khi chọn bất kỳ một loài cây xanh để làm đẹp cảnh quan cũng cần nhìn nhận nhiều mặt, đừng để được đẹp một đường phố, một công viên, thậm chí một khách sạn mà đánh đổi cả giá trị lịch sử hay quý hiếm vốn có từ lâu của một loài cây để từ “vật thể nổi tiếng” thành “vật thể tầm thường hóa”. Lấy ví dụ cây ngô đồng hay cây bao báp. Nếu để có một vài đường phố ngô đồng khoe sắc, một vài công viên rộ hoa ngô đồng gợi cảm, tất cả lăng tẩm các vua triều Nguyễn đều ẩn hiện bóng dáng ngô đồng liệu giá trị di tích của cây còn đậm nét mãi mãi hay không? Tương tự như thế, nếu cứ nhân rộng cây bao báp cho nhiều nơi trong đô thị Huế rồi đến lúc nào đó nó cũng chung số phận với cây bông gòn không hơn không kém mà thôi.
Không riêng gì người Huế mà cả du khách gần xa vẫn mãi đợi chờ bức tranh “đường nào cây ấy” do thành phố Huế phác họa từ lâu, vì đó cũng là nét đẹp rất riêng.
Cuối cùng, thiết tưởng nên có những chế tài thích đáng đối với những tác động tiêu cực lên cây xanh song song với việc giáo dục ý thức cộng đồng.