Ông Bường với mô hình thủy sản sử dụng thức ăn hữu cơ

Nhiều năm nuôi chuyên tôm có những vụ ông Bường “thắng đậm”, nhưng cũng nhiều vụ mất trắng bởi ô nhiễm nguồn nước trong hồ do chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp, dịch bệnh xuất hiện thường xuyên, phổ biến là bệnh đốm trắng, khiến tôm chết hàng loạt.

Để cải thiện tình trạng trên, bà con xử lý bằng hóa chất, nhưng kết quả không những không được cải thiện mà ngày càng tệ hơn, thậm chí những trận mưa to nước tràn ra ngoài mang theo hóa chất ảnh hưởng đến các hồ nuôi xung quanh.

Cùng với nhiều người khác, ông Bường từng tính chuyển sang nuôi theo phương pháp chắn sáo. Cách nuôi này có cải thiện hơn nuôi theo phương pháp hồ đất, nhưng phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, tỷ lệ hao hụt giống cao do nhiều loại cá nhỏ lọt sáo ra ngoài nên không hiệu quả.

Năm 2017, sau khi tham gia các lớp tập huấn do Phòng NN&PTNT huyện tổ chức, được chính quyền địa phương vận động, ông Bường quyết định chuyển sang mô hình nuôi xen ghép. “Hơn 10 năm chuyển NTTS sang hướng xen ghép, chưa năm nào gia đình tôi bị thua lỗ nhờ cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm nguồn nước”, ông Bường nói.

Theo ông Bường, sở dĩ chọn nuôi chung các loại thủy sản trong cùng một hồ vì chúng phù hợp với sự phân tầng trong môi trường nước và hỗ trợ nhau nhiều mặt. Cua sinh sống ở tầng đáy, tôm tầng giữa và các loại cá thích hợp bơi lội trên mặt nước. Sự hoạt động của cá tạo oxy trong nước giúp tôm, cua phát triển; phân của cá và tôm là thức ăn thích hợp cho cua nên vừa giảm chi phí mua thức ăn vừa hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước.

Ông Bường phân tích: “Mỗi lần cho tôm cá ăn, tôi lại nhìn vào bao bì sản phẩm, đọc đi đọc lại thì thấy thành phần ghi trên đó đều là những nguyên liệu tự nhiên có sẵn, dễ tìm dễ chế biến, giá thành lại rẻ. Quan trọng hơn, sử dụng thức ăn hữu cơ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nước rất nhiều so với thức ăn công nghiệp”.

Ông Bường quyết định "nói không" với thức ăn công nghiệp trong NTTS. Ngoài nguồn thức ăn dễ mua như cám, các loại cá nhỏ, rong… rảnh rỗi ông lại tìm đến các cơ sở sản xuất khuôn đậu, sửa đậu nành… để thu mua xác đậu về cho cá ăn. Nhờ đó các loại thủy sản trong hồ nuôi của ông không chỉ phát triển nhanh, chất lượng thịt ngon hơn nhiều mà màu nước ít thay đổi, luôn giữ được độ trong xanh.

Từ khi thực hiện mô hình nuôi xen ghép đến nay, nhất là khi sử dụng thức ăn tự nhiên ông Bường tránh khỏi rủi ro. Tuy không có những vụ “thắng đậm” như thời nuôi chuyên tôm, nhưng trừ toàn bộ chi phí bao gồm cả chi phí sinh hoạt trong gia đình, bình quân mỗi năm gia đình ông tiết kiệm được từ 80-100 triệu đồng nhờ NTTS.

Bài, ảnh: Phong Anh