5.825 học sinh từ các trường công của Singapore đã tham gia cuộc nghiên cứu (Photo: Jamie Koh)

86% học sinh căng thẳng về bài kiểm tra

Các phát hiện được trình bày trong một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đơn vị tổ chức Chương trình đánh giá học sinh Quốc tế (PISA) ba năm một lần. Cuộc nghiên cứu đã khảo sát 540.000 học sinh từ 72 quốc gia và nền kinh tế để xem xét mối quan hệ giữa hạnh phúc và thành tích trong các bài kiểm tra của PISA.

Một câu hỏi mà 5.825 học sinh Singapore được thăm dò ý kiến ​​không phải trả lời là: Họ cảm thấy hài lòng với cuộc sống như thế nào? Dù không phải trả lời câu hỏi này nhưng những câu trả lời cho các câu hỏi khác cho thấy, học sinh Singapore hầu hết đều lo lắng về các bài kiểm tra và điểm số.

Các học sinh được hỏi đã trả lời rằng: “Tôi thường lo lắng rằng tôi sẽ gặp khó khăn trong làm bài kiểm tra”; “Tôi lo mình sẽ đạt điểm kém ở trường”; “Tôi cảm thấy rất lo lắng ngay cả khi tôi đã chuẩn bị tốt cho một bài kiểm tra”; “Tôi rất căng thẳng khi học để làm bài kiểm tra”; “Tôi lo lắng khi không biết làm thế nào để giải quyết một nhiệm vụ ở trường”.

Mức độ lo lắng của học sinh Singapore cao hơn đáng kể so với mức trung bình của OECD trong tất cả năm câu hỏi. Ví dụ, 66% học sinh ở tất cả các nước mà OECD khảo sát cho biết họ lo lắng về điểm kém ở trường học, nhưng ở Singapore, con số này lên đến là 86%. Tại Singapore, 76% cảm thấy rất lo lắng cho một cuộc kiểm tra ngay cả khi họ đã chuẩn bị tốt, so với mức trung bình của OECD là 55%.

“Hai mặt của một đồng xu”

Một câu hỏi được đặt ra là, liệu học sinh Singapore có muốn trở thành người đứng đầu trong lớp học hay không. Khoảng 82% học sinh trả lời rằng họ muốn, trong khi đó mức trung bình của OECD là 60%.

Nghiên cứu đã cho thấy rằng, những học sinh cho biết họ muốn học giỏi trong trường thực sự đã thể hiện được điều này tốt hơn. Trung bình, học sinh có động lực học cao nhất sẽ đạt được điểm cao hơn sau một năm so với những học sinh có ít động lực.

Khi được hỏi ý kiến ​​về những phát hiện về chỉ số lo lắng ở học sinh từ nghiên cứu này, Bộ Giáo dục (MOE) Singapore nói rằng, những học sinh 15 tuổi ở Singapore đã tham gia khảo sát bao gồm phần lớn các học sinh trung học đang chuẩn bị cho kỳ thi N-và O-level. “Do đó, thật dễ hiểu khi học sinh lo lắng về việc làm tốt cho kỳ thi”.

Mối tương quan giữa động lực và căng thẳng như thể hai mặt của một đồng xu. “Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, căng thẳng ở mức thích hợp có thể là động lực thúc đẩy chúng ta đối mặt với những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt”.

“Vì vậy, mặc dù chúng tôi khuyến khích học sinh của chúng tôi có động cơ cao để học hỏi và đạt được, nhưng chúng tôi cũng nhận thức được rằng, đạt được điều này không hề dễ dàng”. Bộ Giáo dục nước này cũng nói thêm rằng, các trường học nỗ lực rất nhiều để giúp học sinh hiểu ý nghĩa của việc học thay vì chỉ tập trung vào thành tích.

“Để tiến lên phía trước, một học sinh không những phải làm tốt, mà còn phải làm tốt hơn các bạn khác. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi học sinh của chúng tôi lo lắng về các kỳ thi và điểm”, ông Don Jason Tan, Viện Giáo dục Quốc gia nói.

Ngọc Hà (lược dịch từ The Straits Times)