Mặc dù chưa tìm ra được luận cứ rõ ràng, nhưng bản thân nghĩ rằng, có lẽ ngày trước nhiều người Huế đã dùng gỗ của loài cây này để làm cối, có thể là cối giã gạo, giã các loại gia vị (tiêu, ớt...)... trong nhà bếp, từ đó mà cây được gán cho tên "Cối" chăng (Tất nhiên, trong dân gian, nhiều loại cối cũng được làm từ gỗ Nhãn, gỗ Nghiến...).

Ngoài đặc trưng về tên gọi, đây cũng là một loài cây đặc trưng về hình thái và khả năng sinh trưởng, phát triển, hiện tồn tại khá nhiều cá thể cổ thụ ở một số đường phố và các điểm di tích xứ Huế, khó tìm thấy tương tự ở một số thành phố, thị xã khác của Việt Nam.

Ở Huế, hiện có khá nhiều cây Cối cổ thụ ở các đường phố như đường Xuân 68, Mai Thúc Loan, Ông Ích Khiêm, 23 tháng tám, Tống Duy Tân, Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Trương Định,... một số trường học, cơ quan hành chính và cả ở các điểm di tích như Di Luân Đường, Tam Tòa, Đại Nội, một số lăng tẩm. Nó được người xưa ưa chuộng, trồng và bảo vệ vì có hình dáng đẹp, tán rậm, che bóng tốt, cây sinh trưởng chậm nhưng khỏe, cho gỗ tốt, chịu được các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như gió bão, úng ngập... mà lại cho gỗ tốt nữa.

Đây là một loài cây gỗ thường xanh, cao 20 - 30 m, đường kính 50 - 60 cm; lá kép lông chim lẻ, mọc cách, dài 30 - 50cm, có 9 - 15 lá nhỏ, mọc đối, hình bầu dục dài, dài 12 - 20cm, rộng 3,5 - 5cm, đỉnh nhọn, gốc lệch, hơi nhọn, mép nguyên, thường gợn sóng. Quả dạng nang, kết thành từng chùm mọc thỏng, xanh khi non, vàng lúc trưởng thành, đỏ khi chín rồi tự khai để lộ hạt mang lớp áo màu đỏ chói.  Những đặc điểm đó khiến quả góp phần làm tăng vẻ đẹp cho cây.


Cây tái sinh bằng hạt tốt. Một cây trưởng thành, có sức sống khỏe, không bị sâu bệnh hại hay các điều kiện sống bất thuận tác động, có thể sản xuất hàng ngàn hạt mẩy, là nguồn giống phong phú cho bất kì ai muốn nhân rộng nó nhằm tôn tạo cảnh quan, che bóng, phòng hộ cản bụi cải thiện môi trường không khí đô thị... Có lẽ vì thế, từ xưa Cối đã là một loài cây được người Huế chú trọng, để đến bây giờ tồn tại khá nhiều cá thể cổ thụ như một sự thách thức với hoàn cảnh lắm gió bão, nhiều lũ lụt hằng năm. Cũng cần lưu ý, có thể sản xuất cây con bằng phương pháp giâm cành.

Tuy thế, để tìm hiểu các thuộc tính khoa học của nó mà sử dụng tên gọi "Cối" thì khó lòng thu được bất kì một thông tin nào. Thật ra, tên thường gọi của nó, được nhiều người Việt ở ba miền biết đến và các tài liệu khoa học Việt Nam ghi nhận là "Gội nước". Cũng cần lưu ý, không nên gọi tên đơn "Gội", vì ở rừng tự nhiên thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kontum ngoài Gội nước ra, còn có khá nhiều loài Gội khác nữa như Gội trắng, Gội tía..., mỗi loài có một tính năng khác nhau.

Cây Gội nước (Cối) ở Huế có tên khoa học là Aphanamixis polystachya (tên đồng danh là Aglaia polystachya, Amoora rohituka), tên tiếng Anh là Pasak Lingga, Amoora, tiếng Trung là shan lian (Sơn luyện = Xoan núi); thuộc họ Sầu đông (Xoan) - Meliaceae; phân bố tự nhiên từ Trung Quốc xuống đến các nước Nam Á. Ở Việt Nam, nó xuất hiện trong các các cánh rừng thường xanh mưa mùa nhiệt đới thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Gia Lai, Kontum...

Ngoài khả năng tạo bóng, tôn tạo cảnh quan, cho gỗ..., nhiều bộ phận của cây còn được dùng làm thuốc chữa bệnh như, ở Banglades vỏ được dùng trị bệnh gan, lách, dầu hạt trị phong thấp; ở Ấn Độ, vỏ được dùng trị bệnh gan, lách, u bướu, loét, lỵ, tiêu chảy, giun sán, bệnh ngoài da, xuất huyết, dầu hạt dùng trị bỏng, khớp...; ở Lào vỏ được dùng trị đau dây thần kinh, sốt cao;  Ở Việt Nam chưa thấy công bố sử dụng, chỉ thấy khuyến cáo quả có độc tính.

Như vậy, thiết tưởng với nguồn gen đặc trưng sẵn có, ngành Dược ở Huế nên tận dụng làm vật liệu nghiên cứu nhằm có thể bổ sung thành quả vào nguồn dược liệu dân tộc, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đỗ Xuân Cẩm