Không những cho thu nhập khá, trang trại của anh Phấn cũng giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, tình yêu ruộng vườn đã ngấm vào máu, nên anh Phấn luôn ấp ủ hoài bão xây dựng một trang trại tổng hợp trên chính quê hương mình. Năm 2013, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho thanh niên lập nghiệp, anh bắt tay thực hiện dự định. “Nhận 30 triệu đồng vốn vay rồi nhưng ba mẹ vẫn quyết ngăn cản. Ba mẹ lo mình chưa lập gia đình nên sẽ khó mà gắn bó với ruộng vườn, làm lâu “cụt vốn” thì ôm nợ suốt đời”, Phấn chia sẻ.

Để thuyết phục được ba mẹ, chàng thanh niên trẻ tìm hiểu những mô hình trang trại của thanh niên hiệu quả trên địa bàn tỉnh, sau đó, chở ba tới tận nơi tham quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. Với 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay, anh Phấn đầu tư mua 3 con bò giống về nuôi. Vừa nuôi bò bán thâm canh vừa cải tạo vườn để trồng cỏ và sắn bổ sung thức ăn cho bò, chỉ sau một năm, 3 con bò giống bắt đầu sinh sản và cho lãi. Hiện tại, số lượng đàn bò của anh Phấn đã tăng lên 13 con.Tạo được niềm tin, ba mẹ đồng ý để anh Phấn thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Anh đã mạnh dạn thuê 1,7 ha đất của xã để trồng cây ăn quả và trồng cỏ làm thức ăn cho bò.

Cùng chàng thanh niên trẻ thăm vườn chuối, vườn mía xanh ngát, chúng tôi mới biết, nơi này trước đây là vùng đất chết, bởi mùa nắng thì đất khô cằn nứt nẻ, mùa mưa thì ngập úng. Để “đất xanh”, Phấn đã dày công cải tạo, từ đào hơn 2km mương thoát nước, lên luống chống úng đến bắt hệ thống tưới nước. Năm 2014, sau khi cải tạo đất, anh mua 1.500 gốc chuối tiêu hồng trồng đại trà. Mặc dù đã cải tạo đất, nhưng do chưa nắm chắc kỹ thuật, chuối không được “no nước” nên năm đầu cho sản lượng thấp. Rút kinh nghiệm, anh tiếp tục cải tạo đất để trồng mía. Vụ đầu tiên 2 sào mía đã cho lãi hơn 30 triệu đồng. Nhận thấy cây mía cho lãi cao, anh tiếp tục mở rộng diện tích lên 0,5 ha. Trồng giống mía ép nước giải khát đòi hỏi kỹ thuật cũng như tốn công chăm sóc hơn mía đường. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu trồng, anh đã tìm hiểu rất kỹ từ khâu làm đất cho tới chăm bón, thu hoạch. Để mía bán được giá thì cây mía phải thẳng, do đó, anh đầu tư thêm hệ thống cọc bê tông kiên cố để làm giàn cho cây mía.

Chỉ tay về phía vườn bưởi da xanh một năm tuổi đang mơn mởn với đầy hy vọng, anh bộc bạch: “Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, năm 2016, tôi đầu tư trồng 200 gốc bưởi da xanh. Nhờ rút kinh nghiệm từ những thất bại trong trồng trọt, áp dụng đúng kỹ thuật, nên bưởi phát triển rất nhanh, với đà này hai năm nữa sẽ có thu nhập từ bưởi”.

Hiểu được đặc tính của đất cùng với cách làm khoa học, lấy ngắn nuôi dài, trang trại tổng hợp của anh Phấn ngày càng được mở rộng vàthu lãi trên 150 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho ba lao động với mức thu nhập từ 3 – 3,5 triệu đồng/tháng. Số lãi thu được, anh tiếp tục đầu tư mua thêm bò giống, trồng cây ăn quả lâu năm và anh còn có dự định xây dựng chuồng trại để nuôi gà thả vườn.

Trang trại của thủ lĩnh đoàn Huỳnh Tấn Phấn là địa chỉ tin cậy cho các đoàn viên trong xã đến học hỏi kỹ thuật trồng trọt, kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: Thanh Thảo