Khí thế hào hùng đó được nhà thơ Tố Hữu, người trực tiếp chỉ đạo tổng khởi nghĩa, người con xứ Huế viết nên 30 năm sau (1975), khi quê hương giải phóng, đất nước thống nhất:
“Tháng Tám vùng lên Huế của ta
Quảng, Phong ơi! Hương Thuỷ, Hương Trà
Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế
Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.
Những ngày trung tuần tháng Tám năm ấy, từ không khí chờ đợi khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các tầng lớp nhân dân hồ hởi, khẩn trương chuẩn bị giành chính quyền. Nơi này may cờ, băng rôn, nơi khác chuẩn bị giáo mác...
Ngày 15/8/1945, lệnh khởi nghĩa ban ra. Được cổ vũ trước những thắng lợi khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và khí thế cách mạng trong cả nước, Nhân dân trong tỉnh từ nông thôn đến thành thị, từ miền biển đến miền núi đã nô nức xuống đường. Ngày 18/8, các huyện lỵ Phong Điền, Phú Lộc khởi nghĩa thắng lợi, tiếp đó là huyện lỵ Hương Thủy (22/8), Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền…
16 giờ ngày 23/8/1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”... Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như triều dâng thác đổ không gì ngăn cản nổi, đã biến cuộc mit tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế thành cuộc mit tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của ta. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố từ nay chính quyền về tay Nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân. Sau này, trong hồi ký của mình, đồng chí Tố Hữu đã khẳng định: “Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên Huế, chưa có một ngày hội nào lớn và đẹp đến thế”.
Ngày 30/8/1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, Nhân dân Thừa Thiên Huế đã chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại khi Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao ấn kiếm - biểu tượng của vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ lâm thời, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Từ giây phút này: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi”. Từ đây, chính quyền đã về tay Nhân dân. Niềm vui vỡ òa, bởi đây là thắng lợi trong bộn bề khó khăn do Huế là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Và cũng vì vậy, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Huế đã góp phần quyết định vào thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám trong cả nước.
Năm tháng qua đi, lịch sử quê hương qua bao thăng trầm nay đã sang trang mới. Huế vẫn còn đó những thành quách rêu phong. Cửa Ngọ Môn- nơi vua Bảo Ðại thoái vị, giờ tấp nập du khách. Và con đường trước Ngọ Môn mang tên đường 23 tháng 8 để ghi nhớ những ngày lịch sử. Từ tháng 3/2012, đoạn đường 23 tháng 8 trước cửa Ngọ Môn (Đại Nội Huế) thành tuyến đường đi bộ dành riêng cho khách du lịch.
Con đường lịch sử năm nào bây giờ có thêm một trọng trách mới: Con đường du lịch nối liền lịch sử và tương lai. Con đường lịch sử nhắc nhở chúng ta phải tiếp tục phấn đấu xứng tầm với vị thế của mình.
Nguyên Anh