Theo nhận định chung, sau khi đi vào biển Đông ngày hôm qua (22/8), bão số 6 đã mạnh thêm và đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Mặc dù không đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng vùng ảnh hưởng của bão sẽ bao trùm đất liền khu vực Bắc Bộ gây mưa rất lớn.
de phong lu ong lu quet do bao so 6 gay ra hinh 1
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu tăng cường thông tin dự báo hỗ trợ địa phương ứng phó bão số 6.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là theo dõi, kiểm đếm quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Riêng đối với các tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các khu du lịch ven biển, trên các đảo và các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Hoàn lưu bão số 6 sẽ kèm theo gió mạnh và mưa lớn vì vậy các tỉnh miền núi phía Bắc đề phòng lũ, lũ quét và sạt lở đất, nhất là các địa phương: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang…
Ứng phó với mưa lớn của hoàn lưu bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công điện yêu cầu các công ty Thủy điện Sơn La và Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và mở thêm 1 cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào lúc 13 giờ trưa nay (23/8).
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai lưu ý: “Tổng cục đang tập trung chỉ đạo xả lũ các hồ chứa. Về lũ ống, lũ quét đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc việc ứng trực, các ban chỉ huy phải cử cán bộ xuống ứng trực tại các trọng điểm xung yếu kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Đặc biệt chú ý các khu vực khai thác hầm lò, khoáng sản và các địa phương giáp biên”.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng yêu cầu: "Các đơn vị cần theo dõi sát diễn biến của bão, nhất là những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, các hầm lò khai thác than…. Đồng thời tăng cường dự báo tình hình mưa, lũ ở những khu vực trọng điểm phục vụ kịp thời công tác tham mưu trong chỉ đạo của Ban chỉ đạo và các địa phương.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Viện khí tượng thủy văn các địa phương thu thập và đưa ra những dự báo cụ thể và chính xác hơn tại các vùng trọng điểm, nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét. Những dự báo này phải được truyền tải kịp thời đến các thành viên Ban chỉ đạo và các địa phương để khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Đề nghị các địa phương phải thành lập kênh thông tin để truyền tải đến các huyện, xã thậm chí đến các thôn, xóm, nhất là các vùng miền núi dễ bị chia cắt khi thiên tai xảy ra".
Theo VOV