Công trình xây dựng và mở rộng khách sạn Thuận Hóa chậm tiến độ khá lâu

Thu hồi, giám sát đặc biệt và đôn đốc tiến độ

Trong danh mục 24 DA cần rà soát để thu hồi lần này có DA xây dựng toà nhà VNPT Thừa Thiên Huế ở số 4 Hà Nội (TP. Huế). Dự án này nhiều lần đã được nhắc nhở, gia hạn song chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Tuy nhiên, gần đây chủ đầu tư đã có cam kết triển khai trong năm nay. Đây cũng là lý do khiến Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Phan Thiên Định đã có ý kiến với HĐND tỉnh về việc xem xét tạo điều kiện cho nhà đầu tư này, nếu đến cuối năm 2017 mà không triển khai thi công tại thực địa sẽ thu hồi DA.

Trước đó nhà đầu tư có triển khai một số hạng mục song do không đúng thiết kế, công năng sử dụng ban đầu nên Sở KH&ĐT đã có văn bản yêu cầu ngừng thi công và tháo dỡ các hạng mục đã xây dựng. Sở KH&ĐT cũng kiến nghị bổ sung đưa vào danh sách DA thu hồi đối với DA xây dựng ký túc xá ở khu Trường Bia do Đại học Huế làm chủ đầu tư khi mặt bằng và hạ tầng đã được bàn giao đầy đủ nhưng quá thời hạn triển khai mà chủ đầu tư chưa có động tĩnh gì.

Dự án Khu văn phòng, dịch vụ, nhà ở ở đường Lý Thường Kiệt ngừng thi công đã lâu

Đợt này, tỉnh còn đưa vào danh sách 29 DA giám sát đặc biệt do chậm tiến độ như DA xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tứ Hạ giai đoạn 1, DA Khu nhà ở An Đông, Khu dịch vụ du lịch Liên Bằng, Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An... và đôn đốc tiến độ hàng chục DA khác.

Sở KH&ĐT cho hay, lý do phải đưa các DA vào danh sách giám sát đặc biệt hoặc đôn đốc tiến độ nhằm để nhắc nhở DN triển khai DA hoặc có những vấn đề phát sinh có thể kịp thời giải quyết những vướng mắc khách quan từ phía chính quyền, địa phương để doanh nghiệp (DN) thuận lợi triển khai DA.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, khi nêu vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, tất cả các DA đưa vào danh mục rà soát để thu hồi đều đã gia hạn và có những chủ trương chính sách cần thiết nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai. Song hết lần này đến lần khác chủ đầu tư vẫn không thực hiện hoặc nếu có cũng chỉ làm một số hạng mục nhỏ không đáng kể và ngưng hoạt động thời gian dài. Tỉnh đã gửi văn bản và nhiều lần liên lạc, làm việc làm việc với chủ đầu tư để nhắc nhở, yêu cầu triển khai DA, song vẫn không có chuyển biến, do đó việc thu hồi là giải pháp cuối cùng dù nằm ngoài mong muốn của tỉnh.

Thực hiện đầy đủ thủ tục trước khi thu hồi

Không chỉ 24 DA rà soát để thu hồi có số vốn giải ngân đạt thấp 240/9.100 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016, mà cả 29 DA giám sát đặc biệt và 26 DA đôn đốc tiến độ, mức giải ngân cũng chưa cao. Trong đó 29 DA giám sát đặc biệt có tổng số vốn đăng ký hơn 14.888 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân chưa được 250 tỷ đồng tính đến cuối 2016 và 26 DA đôn đốc tiến độ chỉ giải ngân được hơn 120 tỷ đồng trong khi tổng vốn đăng ký hơn 5.700 tỷ đồng. Điều đó cho thấy mức độ triển khai DA của các nhà đầu tư đạt thấp, dù có khá nhiều DA thời gian đăng ký đầu tư đến nay cả chục năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cũng thông tin, trước khi thu hồi tỉnh đã rà soát tất cả các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật. Tỉnh còn áp dụng các chính sách có lợi nhất cho DN. Do đó, tỉnh không ngại khiếu kiện, khiếu nại khi có DN có yếu tố nước ngoài gửi đơn kiện tỉnh ra tòa án quốc tế.

Ông Phan Thiên Định nêu quan điểm, khi kêu gọi đầu tư, điều mong muốn của tỉnh và các ban, ngành địa phương là DN đầu tư DA nhanh chóng, hiệu quả để góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, nếu DN cố tình kéo dài thời gian triển khai DA hoặc không triển khai DA vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về yếu kém năng lực tài chính và khả năng triển khai DA bằng không thì việc thu hồi là cần thiết để nhường đất cho DN có tiềm năng.

Dĩ nhiên việc thu hồi sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, song nếu để vậy không thu hồi sẽ tạo dư luận không tốt và thậm chí còn tác dụng xấu đến môi trường đầu tư hơn nữa. Thế nên, thu hồi đối với các DA không có khả năng triển khai là giải pháp tối ưu, nhằm tránh các trường hợp chiếm dụng đất và để các nhà đầu tư thấy, dù Huế rất cần nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư triển khai các DA nhưng nếu đầu tư không đến nơi, đến chốn tỉnh sẽ cương quyết thu hồi. 

Ông Phan Thiên Định cũng thông tin, tất cả các DA đưa vào danh mục rà soát thu hồi đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan phía DN mà cụ thể là do năng lực tài chính không đảm bảo và không có DA nào xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía chính quyền liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng hoặc thủ tục đầu tư...

Tuy vậy, trong danh mục 24 dự án rà soát để thu hồi đợt này, tỉnh cũng tạo điều kiện lần cuối cho một số DN khi gia hạn đến cuối năm nay nếu không triển khai sẽ thu hồi, như DA Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch-Thương mại Hương Trà, Khu du lịch Làng Việt, Nhà máy sản xuất men frit…

Bài, ảnh: Tâm Huệ

Công trình xây dựng và mở rộng khách sạn Thuận Hóa chậm tiến độ khá lâu

Dự án Khu văn phòng, dịch vụ, nhà ở ở đường Lý Thường Kiệt ngừng thi công đã lâu