Học sinh học xong lớp 12 phải chuyển sang mua thẻ BHYT hộ gia đình

Khổ sở vì thẻ BHYT hết hạn

Chị Lê Ngọc Quỳnh phụ huynh em Trần Khánh Tiên, học sinh lớp 12 Trường Hai Bà Trưng (Huế) bức xúc: “Con tôi bị ruột thừa. Khi nhập viện tôi vẫn đưa thẻ BHYT cho các cơ sở y tế nhưng được thông báo BHYT của con hết hạn từ ngày 31/5/2017. Suốt 12 năm học, con tôi chưa bao giờ nằm viện, quyền lợi chưa được hưởng giờ phải nộp hơn 10 triệu đồng viện phí. Điều đáng nói, tôi không hề biết thông tin về việc phải nối thẻ cho học sinh lớp 12”.

Trường hợp em Nguyễn Văn Nhân (Phong Điền) còn bi đát hơn khi bố mẹ em phải gửi đơn khắp nơi để xin hỗ trợ. Sau 5 ngày thẻ BHYT hết hạn, Nhân bị tai nạn giao thông nặng. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế quyết định áp dụng kỹ thuật điều trị hiện đại nhưng gia đình phải chạy vạy ngược xuôi để đóng trên 100 triệu đồng tiền viện phí. Giờ đây, Nhân đã bình phục nhưng số tiền viện phí trở thành gánh nặng cho gia đình.

Rất nhiều phụ huynh có con học lớp 12 không hề biết thẻ BHYT của con mình hết thời hạn. Anh Nguyễn Sơn, có con vừa học xong lớp 12, góp ý: “BHXH nên thông báo cho phụ huynh biết để gia đình mua tiếp thẻ BHYT hộ gia đình cho các em. Rất nhiều người không biết chủ trương này nên vỡ nợ khi con bị bệnh”.

Bất cập

Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi tạo nhiều thuận lợi khi phân chia thời gian đóng bảo hiểm y tế (BHYT) thành nhiều đợt, có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh lý giải: “Theo quy định, học sinh, sinh viên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí mua BHYT. Thời hạn thẻ BHYT chỉ tính tới hết tháng cuối của năm học (31/5), sau đó, các em nên tham gia BHYT hộ gia đình để thẻ BHYT có giá trị nối tiếp”.

Theo quy định này, nếu muốn nối thẻ BHYT cho con, ngay từ ngày 20/4, phụ huynh phải chuyển sang đóng BHYT hộ gia đình. Nhiều phụ huynh thắc mắc, trường hợp học sinh tiếp tục học cao đẳng, đại học hay đi làm công nhân thì trong thời gian chờ đợi nhập học, đi làm (thường mất vài tháng), người đó sẽ tham gia BHYT theo diện nào? Nếu tham gia theo diện BHYT hộ gia đình, bản thân người đó cũng không quyết định được thời gian tham gia bao lâu, trong khi Luật BHYT ấn định mức tham gia là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Những người đi học xa quê sẽ gặp phiền toái khi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu một đường nhưng tạm trú, khám chữa bệnh sẽ ở một tỉnh khác. Đối với học sinh, sinh viên do đã được Nhà nước hỗ trợ 30% khi tham gia BHYT nên khi chuyển sang đóng BHYT gia đình sẽ không phải là đối tượng được giảm trừ phí từ 50-70% như các thành viên khác. Quy định này khiến phụ huynh cho rằng, chưa có sự công bằng với các em khi thời gian đóng tiếp không nhận được sự hỗ trợ gì từ chính sách.

Còn nếu thẻ BHYT các em gián đoạn 3 tháng liên tục thì quyền lợi sẽ không bằng người tham gia liên tục 5 năm. Theo quy định của Luật BHYT, có nhiều đối tượng phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục, số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tức là khoảng gần 7 triệu đồng thì không phải cùng chi trả nữa mà lúc đó Quỹ BHYT chi trả.

Nhiều ý kiến cho rằng, BHXH Việt Nam cần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai và trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài đối với học sinh cuối cấp cho đến 30/9 của năm học đó, tránh thiệt thòi cho học sinh Ông Hoàng Trọng Chính cho hay: “Để khắc phục khoảng trống đó, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn liên ngành tuyên truyền vận động các em học xong lớp 12 mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Luật quy định như vậy nên trước mắt phải thực hiện chặt chẽ theo luật để tránh thiệt thòi cho các em”.

Năm học mới đang tới rất gần, hiện khoảng trống về thời hạn này có được lấp đầy hay không thì cả học sinh, các gia đình có con đi học vẫn đang chờ sự phản hồi từ các đơn vị liên quan.

Bài, ảnh: Huế Thu