Ví dụ như trung tâm tài chính. Đã gọi là trung tâm tài chính ắt hẳn nó phải tập trung nhiều ngân hàng, các công ty cung cấp tài chính với một nguồn tiền rất lớn. Nó có một sức mạnh đặc biệt hút một dòng tiền rất lớn chảy vào đây. Rồi từ đó, dòng tiền lại được “đẩy” đi rất nhiều nơi để cung cấp cho nền kinh tế.

Không có những điều kiện như vừa nêu, khó thể gọi một nơi nào đó là trung tâm tài chính.

Dĩ nhiên, để trở thành trung tâm, nơi đó phải có những điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội nhất định; thậm chí là điều kiện địa chính trị. Và nó phải được hình thành qua thời gian, tức là không có chuyện tự nhiên mà có hoặc phụ thuộc vào ý muốn của một ai đó.

Thành phố Hồ Chí Minh xứng đáng là một trung tâm kinh tế của khu vực phía nam và của cả nước, thông qua tỷ lệ đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Nhìn nhận những yếu tố để được gọi là trung tâm như nói trên, chúng ta thấy TP. Hồ  Chí Minh hình thành hai lực hút và đẩy rất rõ ràng. Với đặc điểm và lịch sử hình thành phát triển, TP. Hồ Chí Minh có một sức hút rất lớn về tài chính và nguồn nhân lực. Nhờ những yếu tố này TP. Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh. Sự phát triển này đến một lúc đã tạo ra một lực đẩy, tức là sức lan tỏa để phát triển những vùng chung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu. Xa hơn nữa là Bình Thuận, Đà Lạt… Nếu không có sức mạnh kinh tế của TP. Hồ Chí Minh và sự lan tỏa từ đây, chưa chắc các tỉnh nói trên đã có tốc độ phát triển như bây giờ.

Tương tự, thủ đô Hà Nội có một vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bằng Bắc bộ, đặc biệt là những tỉnh, thành ven Hà Nội.

Với cách nhìn nhận như nói trên, Huế có đủ các yếu tố để chí ít, gọi là trung tâm về giáo dục và y tế chuyên sâu (Huế còn được mệnh danh là nhiều trung tâm khác nữa nhưng xin không đề cập ở đây).

Từ lâu, Huế đã là nơi hình thành các trường đại học và ngày càng bổ sung nhiều ngành đào tạo để đến thời điểm này, hầu như các ngành nghề đào tạo đã được bao phủ các lĩnh vực. Hàng năm Đại học Huế đào tạo hàng chục ngàn sinh viên. Nguồn nhân lực được đào tạo từ đây cung cấp cho cả nước, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có thời điểm như những năm sau ngày đất nước thống nhất, Huế đã cung cấp một tỷ lệ rất lớn nguồn nhân lực cho 2 ngành giáo dục và y tế khu vực này.

Ở lĩnh vực y tế, với đặc điểm hình thành sớm, gồm có Trường đại học Y Dược và Bệnh viện Trung ương Huế, mọi phương pháp điều trị y học kỹ thuật cao, tiên tiến của thế giới được tiếp nhận, triển khai. Cùng với hệ thống y tế “dày đặc” của Trường đại học Y Dược, Bệnh viện Quốc tế và các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, các bệnh viện tư nhân đã hình thành một trung tâm y tế mạnh của cả nước. Riêng lĩnh vực y học, Huế xứng đáng là đầu tàu của miền Trung. Trường đại học Y Dược Huế hàng năm cung cấp ra “thị trường” một nguồn nhân lực rất lớn với chất lượng cao. Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn không chính thức, chúng ta hay nghe chuyện “chảy máu chất xám”, tức là một nguồn nhân lực chất lượng cao dịch chuyển đi nơi khác. Điều này là chuyện bình thường đối với một trung tâm. Hay nói cách khác, đã là trung tâm thì nó phải có lực hút và lực đẩy. Ở đây là nguồn nhân lực. Không có việc gì phải lo lắng về chuyện này. Thậm chí có thể lấy đó làm mừng vì chúng ta luôn luôn có một nguồn nhân lực chất lượng, sẵn sàng thay đổi và thích ứng. Nghĩa là một thị trường nhân lực năng động.

Nguyên Lê