Các nước khác ở Đông Nam Á chỉ dám mơ ngôi đầu khi được đăng cai tổ chức SEA Games. Đó là trường hợp của Myanmar vào các năm 1961 và 1969, Việt Nam vào năm 2003 và Philippines năm 2005. Riêng Malaysia đã có tới 5 lần đăng cai nhưng mới chỉ có một lần duy nhất được tận hưởng phút giây vinh quang, đó là vào năm 2001. SEA Games 2017 là cơ hội để thể thao Malaysia “mở mày, mở mặt” với thiên hạ và họ quyết không bỏ qua.

Nước đăng cai được phép đưa vào chương trình thi đấu một số môn thể thao mới. Để hạn chế sức mạnh của đối thủ, Ban Tổ chức nước chủ nhà cắt bỏ một số môn thi. Các môn vật, cử tạ nữ, thể hình, vovinam… bị chủ nhà Malaysia loại khiến Việt Nam mất đi rất nhiều huy chương. Còn để tăng cường sức mạnh cho mình, nhiều môn thi đấu mới được đưa vào. Tréo ngoe kiểu như khúc côn cầu, trượt băng… khiến nhiều nước chỉ biết khóc ròng.

SEA Games 2017 đã xảy ra nhiều chuyện không hay do quyền lực của chủ nhà quá lớn. Điển hình là trận bán kết cầu mây nữ giữa Indonesia và Malaysia. Các cầu thủ Indonesia tự ý dừng cuộc chơi để phản ứng quyết định mà họ cho là trọng tài đã thiên vị nước chủ nhà. Các trọng tài thuyết phục, song trước thái độ bất hợp tác của đội Indonesia, họ đã xử đội này thua 0 - 2. Đây là quyết định giúp cầu mây Malaysia  hưởng lợi, bởi với việc lọt vào chung kết gặp Thái Lan họ sẽ chắc chắn đổi màu huy chương. Hai năm trước ở SEA Games 28, Malaysia chỉ có huy chương đồng.

SEA Games có lắm chuyện để bàn. Muốn thoát khỏi tâm lý và thói quen “ao làng” kia, SEA Games cần đổi mới và bắt đầu từ những quy định không để các nước chủ nhà trục lợi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện lâu dài. Còn trước mắt, mặc cho nhiều phiền toái xảy ra, SEA Games 29 diễn ra vẫn đang có sức hút đặc biệt, hấp dẫn bao người.

ĐAN DUY