Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống phát thải khí nhà kính có thể xoay quanh rong biển, theo Giáo sư Tim Flannery, chuyên gia về biến đổi khí hậu, nhà hoạt động môi trường nổi tiếng người Australia. Các tài liệu nghiên cứu cũng cho thấy tiềm năng to lớn của rong biển trong nỗ lực giảm lượng khí nhà kính và đưa CO2 ra khỏi bầu khí quyển, tạp chí Business Insider ngày 23/8 dẫn lời ông Flannery cho hay.

Rong biển có khả năng làm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Ảnh: Pinterest

Phát thải âm

Để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hầu hết các chuyên gia nhất trí rằng, chúng ta phải loại bỏ cacbon ra khỏi khí quyển, cũng như giảm phát thải. Nhiều nhà khoa học cho rằng, 2 độ C vẫn sẽ gây ra biến đổi khí hậu nguy hiểm, và giới hạn ở mức 1,5 độ C đến năm 2100 là an toàn hơn nhiều.

Để đạt được mục tiêu đó, con người phải bắt đầu giảm lượng khí thải toàn cầu từ năm 2020 và giảm nhanh lượng khí thải xuống mức 0 đến năm 2050.

Việc phát thải cacbon ở mức 0 có thể được thực hiện từ việc giảm phát thải triệt để và các dự án địa kỹ thuật lớn. Bên cạnh đó, điều này còn có thể được hỗ trợ rất nhiều bằng cách mà ông Flannery gọi là "cách thứ ba": làm theo hoặc tăng cường các phương pháp thu hồi cacbon của Trái đất.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề kỹ thuật, kinh tế và chính trị, cùng nhiều kế hoạch quy mô lớn cần giải quyết để đưa phương pháp này trở thành hiện thực.

Mức phát thải tối đa?

Loại bỏ cacbon khỏi khí quyển là một đề xuất hấp dẫn, nhưng không thể bỏ qua lượng khí thải mà chúng ta đang thải ra. Để hướng tới lượng khí thải ở mức âm, lượng khí thải toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch phải bắt đầu được giảm đáng kể và từ rất sớm.

Nhưng liệu con người đã chạm đến mức phát thải tối đa? Thực tế cho thấy, phát thải cacbon toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp không tăng trong năm thứ ba liên tiếp, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đây là tín hiệu tuyệt vời, nhưng việc gia tăng lượng phát thải giảm chủ yếu là nhờ việc giảm phát thải ở Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia phát triển.

Việc cắt giảm phát thải của Trung Quốc được cho là rất ấn tượng. Năm 2014, quốc gia này đạt mức tiêu thụ than cao nhất; tuy nhiên, theo thỏa thuận Paris, Trung Quốc đã cam kết giảm 60-65% cường độ phát thải.

Mặt khác, tại Ấn Độ, nơi có dân số 1,3 tỷ người và đang tiếp tục mở rộng, khoảng 300 triệu người dân vẫn chưa kết nối với lưới điện, và việc sử dụng than để cung cấp năng lượng có khả năng gia tăng. Chính vì thế, Ấn Độ sẽ là yếu tố quan trọng để ổn định lượng phát thải khí nhà kính.

Phát thải khí nhà kính của Ấn Độ hiện nay tương đương với lượng khí thải của Trung Quốc năm 1990. Một nghiên cứu kết hợp mục tiêu của Ấn Độ trong thỏa thuận Paris với các ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về tăng trưởng kinh tế dài hạn của nước này cho thấy, phát thải CO2 của Ấn Độ vẫn có thể gia tăng đáng kể đến năm 2030.

Cuộc đua tiếp sức

Vậy làm thế nào để đối phó với nhiều vấn đề mang tính cạnh tranh và liên kết? Lý tưởng nhất là chúng ta cần một loạt các giải pháp, với những làn sóng công nghệ bổ sung để xử lý những vấn đề khác nhau.

Làn sóng đầu tiên rõ ràng là quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đang diễn ra. Các thiết bị năng lượng mặt trời đang phá vỡ kỷ lục, với 75 gigawatt được bổ sung vào công suất năng lượng toàn cầu vào năm 2016, tăng từ mức 51 gigawatt hồi năm 2015. Tuy nhiên, mức bổ sung này vẫn chỉ chiếm 1,8% tổng nhu cầu điện toàn cầu.

Ngoài việc sản xuất năng lượng tái tạo, hạn chế sự ấm lên ở mức 1,5 độ C cũng có nghĩa là chúng ta phải tăng hiệu quả của lưới điện hiện có. May mắn là các nhà tài chính và các chủ đầu tư đang tập trung vào làn sóng năng lượng thông minh thứ hai, bao gồm những công nghệ hiệu quả và tối ưu hóa.

Nghiên cứu cho thấy, việc kiểm soát tốt hơn làm giảm lượng phát thải của việc tạo ra năng lượng. Những thiết bị tiết kiệm năng lượng và những phần mềm tối ưu hóa đang trở nên phổ biến rộng rãi trên thị trường thương mại.

Những công nghệ hiệu quả này sẽ cần thiết để bổ sung cho sự thay đổi cơ cấu trong năng lượng nhiên liệu hóa thạch, nhất là những nơi có lượng phát thải tăng đáng kể như Ấn Độ.

Xây dựng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa bằng phần mềm và công nghệ mới và hiểu rõ hơn về phát thải ở mức âm, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua tiếp sức nhằm làm giảm lượng phát thải trong vòng 50 năm tới, để đạt được mục tiêu 1,5 độ C.

Với việc nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sâu hơn, những khả năng mà rong biển mang lại có thể thay đổi cục diện. Tuy nhiên, như những gì chúng ta đã chứng kiến đối với sự phát triển của công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, phải mất một thời gian dài để biến ý tưởng thành hành động.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ Business Insider, ABC TV & Reuters)