Bảng cần thuê nhân viên bên ngoài một nhà hàng ở Miami, Florida, Mỹ ngày 6/7. Nguồn: AFP 

Trong tuyên bố của mình, Fitch để ngỏ khả năng sẽ đánh giá lại mức tín nhiệm của Mỹ khi đặt chỉ số này trong tình trạng "giám sát tiêu cực" nếu chính giới nước này vẫn không thể thỏa hiệp về việc nâng trần nợ trước thời hạn chót có thể vào tháng 10 tới. 

Cụ thể, Fitch có thể sẽ hạ mức tín nhiệm AAA hiện tại của Mỹ trong trường hợp mức trần nợ không được điều chỉnh và chính phủ phải ngưng, hạn chế hoặc trì hoãn việc thực hiện các cam kết liên quan tới vay nợ. 

Fitch cảnh báo việc chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do vỡ nợ sẽ cho thấy những thách thức, khó khăn mà sự chia rẽ chính trị nội bộ gây ra cho quá trình phê duyệt ngân sách. 

Trước đó, trong thư gửi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hồi đầu tháng 8, Ủy ban Cố vấn vay nợ của Bộ Tài chính Mỹ đã nhấn mạnh sự khẩn cấp và tầm quan trọng của việc Quốc hội nâng mức trần nợ kịp thời. 

Cũng theo bức thư, ủy ban trên tính toán Bộ Tài chính Mỹ chỉ có thể cấp ngân sách duy trì hoạt động của chính phủ tới ngày 29/9. 

Hồi tháng 3, nợ công của Chính phủ Mỹ đã chạm mức trần theo luật định hiện ở mức 19.900 tỷ USD. 

Từ đó đến nay, Bộ trưởng Mnuchin đã phải áp dụng một số các biện pháp "đặc biệt" trong ngắn hạn để tránh cho chính phủ rơi vào tình trạng vỡ nợ trong khi đợi quyết định nâng trần nợ của Quốc hội.

Bản thân ông Mnuchin trước đó đã nhiều lần hối thúc Quốc hội nâng mức trần nợ trước cuối tháng 9 để tránh tình trạng vỡ nợ chính phủ liên bang. 

Trong khi đó, Văn phòng Ngân sách Chính phủ đã ước tính rằng chính phủ liên bang có đủ tài chính để hoạt động tới giữa tháng 10. 

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần hối thúc Quốc hội tăng trần nợ công "càng sớm càng tốt"./. 

Theo Vietnam+