Nhà hát múa rối Cố đô Huế đã từng là điểm đến thu hút người dân và du khách
Ba lần bị phá bỏ
Một năm nay, Nhà hát múa rối Cố đô Huế phải đóng cửa khi chủ cho thuê đất lấy lại mặt bằng. Mất biết bao công sức xây dựng nên nhà hát, đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn, Giám đốc Nhà hát múa rối Cố đô Huế gần như sống trong tuyệt vọng. Anh buồn bã: “Đã có lúc tôi cay đắng nghĩ đến việc mình phải buông xuôi, vứt bỏ tất cả, chôn vùi đi mọi khát khao, hoài bão về những điều tốt đẹp mình đã từng làm cho quê hương...”.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà hát lâm vào tình thế lao đao. Đạo diễn Phi Tuấn và các cộng sự đã phải mất 3 lần xây dựng nên nhà hát rồi lại phải bỏ, không phải vì không có khán giả mà vì bị lấy lại mặt bằng. Đạo diễn Phi Tuấn kể: “Mê múa rối, năm 2003, tôi là người đầu tiên đưa múa rối về Huế. Được trẻ em và du khách đón nhận nồng nhiệt, năm 2007, tôi huy động vốn, thuê mặt bằng xây dựng Nhà hát múa rối Cố đô Huế ở Khách sạn Century. Đang ăn nên làm ra thì bị lấy lại mặt bằng, nhà hát chuyển về Nhà Thiếu nhi Huế vào năm 2009. Được hơn 4 năm, nhà hát lại phải dời về khu vực nhà Nón ở Đập Đá khi ở khuôn viên cũ không giữ được không gian yên tĩnh. Mất hàng tỷ đồng từ mồ hôi công sức, tiền bạc không còn, nhà cửa cũng đã cầm cố, tôi quá chán nản, kiệt sức khi theo đuổi đam mê múa rối”.
Nhà hát múa rối Cố đô Huế từng là điểm đến của nhiều tour du lịch của các hãng lữ hành, góp phần níu chân du khách lưu lại Huế về đêm với khoảng 8 nghìn khách du lịch xem rối mỗi năm. Hầu như đêm nào cũng sáng đèn, có đêm nhà hát phải diễn 2-3 suất. Nhà hát cũng đã được đưa vào giới thiệu trong guidebook của 4 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức. Thành công như vậy nên các thành viên của nhà hát càng đau xót khi không còn điểm diễn.
Mất điểm đến văn hóa
Nhà hát bị đóng cửa kéo theo nhiều hệ lụy. Anh chị em diễn viên lao đao vì thất nghiệp, phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Người làm thợ nề, người làm bảo vệ, người về chăn nuôi, buôn bán... Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thịnh, chị Đinh Thị Thủy nên duyên vợ chồng cũng từ Nhà hát múa rối Cố đô Huế. Gắn bó với nghề diễn viên múa rối ngót nghét đến 10 năm, anh chị buồn lắm khi nhà hát lại bị đóng cửa và không biết bao giờ mới được xây lại. Không còn được sống với niềm đam mê nghệ thuật, họ khó khăn khi xoay sở tìm việc khác. Anh Thịnh xin làm bảo vệ ở chung cư, chị Thủy chỉ ở nhà chăm con nên cuộc sống khó khăn lắm. Chị Thủy buồn bã: “Múa rối là nơi chúng tôi gửi bao tâm huyết, đam mê nên không còn được đi diễn, chúng tôi nhớ nghề lắm. Trước đây, đêm nào cũng đi diễn đem niềm vui đến cho nhiều người, giờ cứ tối đến, chao ơi là nhớ ánh đèn sân khấu... Nhưng, chúng tôi vẫn luôn hy vọng nhà hát mở cửa trở lại”.
Du khách đến Huế không còn dịp để thưởng thức một loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo. Huế mất đi một điểm hoạt động nghệ thuật lành mạnh phục vụ du khách về đêm. Bà Trần Thị Thu Nguyệt, bộ phận điều hành Công ty TNHH Du lịch lữ hành quốc tế Transtravel (TP. Hồ Chí Minh), tiếc nuối: “Đúng là rất tiếc khi nhà hát múa rối ở Huế bị đóng cửa. Chúng tôi cũng gặp khó khăn khi sắp xếp lại chương trình tour. Khách của công ty chúng tôi chủ yếu là khách Pháp, Canada, họ rất thích xem múa rối nước. Đa phần các đoàn khách của chúng tôi đều có 2 đêm ở Huế và trong chương trình lúc nào cũng có xem múa rối nước. Từ hồi múa rối ở Huế đóng cửa, chúng tôi phải sắp xếp cho khách xem ở Hà Nội, Sài Gòn hoặc Hội An. Nếu tổ chức xem múa rối nước ở Huế sẽ thuận tiện cho chương trình của khách hơn”.
Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng: “Nhà hát múa rối Cố đô Huế đã đưa múa rối trở thành một sản phẩm văn hóa được Nhân dân và du khách yêu thích, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến bạn bè quốc tế. Chúng ta cứ kêu du lịch Huế không có sản phẩm, nhất là về đêm. Vậy mà, múa rối đã tìm được chỗ đứng, được du khách yêu thích mà lại không quan tâm, tạo điều kiện cho nó phát triển thì rất phí. Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa không dễ làm, chủ doanh nghiệp phải có hiểu biết sâu về văn hóa nghệ thuật. Tỉnh và thành phố cần có sự hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phát triển bởi chính nó quảng bá cho truyền thống văn hóa”.
Bây giờ, nhà hát hoạt động cầm chừng bằng gánh múa rối rong đi diễn ở các trường học khắp các tỉnh để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Đạo diễn Phi Tuấn và các đồng nghiệp luôn đau đáu một ước mơ nhà hát sẽ được xây dựng lại. Anh Tuấn bày tỏ: “Xác định là một đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, chúng tôi không đòi hỏi phải được bao cấp ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, không xin lương bổng, tiền xây dựng tác phẩm… Chúng tôi chỉ mong an cư để lạc nghiệp”.
Nói rồi anh nêu nguyện vọng: “Rất mong tỉnh quan tâm xem xét, tạo điều kiện bố trí cho chúng tôi một mảnh đất để xây dựng lại nhà hát, thuê cũng được miễn là lâu dài, có thể 30-40 năm. Đó là địa điểm thuận lợi, ở gần trung tâm lưu trú của khách du lịch, đường sá đi lại thuận tiện, có chỗ đậu xe rộng rãi... Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với nghề múa rối, chúng tôi đủ năng lực để xây dựng Nhà hát múa rối Cố đô Huế trở thành một đơn vị nghệ thuật vững mạnh, xây dựng được những tác phẩm mang màu sắc văn hóa Huế đặc trưng để phục vụ khán giả và du khách quốc tế”.
Minh Hiền