Theo Văn phòng Quốc gia giảm nghèo tổng hợp, hiện có khoảng 80 loại chính sách khác nhau cho người nghèo. Tại Thừa Thiên Huế, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-20200), tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm 7,19%, hộ cận nghèo chiếm 5,5%. Trong đó, 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, lần lượt là 35,04% và 14,5%. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 07 ngày 16/1/2017 về triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Với nguồn vốn giảm nghèo Trung ương bố trí trên 74 tỷ đồng, tỉnh đang triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; đào tạo nghề; xây dựng các mô hình sinh kế, trợ giúp pháp lý, cải thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới… phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh xuống còn 6,09% (giảm 1,1%) vào cuối năm nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một thực tế đang đặt ra trên phạm vi cả nước và từng địa phương là việc có quá nhiều chính sách, chương trình, dự án cùng triển không chỉ gây ra dàn trải về nguồn lực và manh mún, không tập trung thành nguồn lực cho người nghèo vươn lên nhanh và bền vững mà còn gây khó khăn cho cán bộ cơ sở trong quá trình triển khai, quản lý các nguồn lực. Việc có nhiều đầu mối quản lý dẫn đến hệ lụy, nơi thì tập trung quá nhiều dựa án, nơi thì quá ít; có những địa bàn dự án chồng dự án rất lãng phí; người nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi nhưng chẳng ra tấm ra miếng… Chẳng thế mới có chuyện vui một đàn gà, con lợn mà có mấy tổ chức, đoàn thể thống kê. Nếu cứ lấy số liệu đó mà tổng hợp thì người nghèo quả đã khá giả, nhưng thực tế người nghèo vẫn chưa thoát nghèo. Hoặc tình trạng một người được cấp 2-3 tấm thẻ bảo hiểm y tế cũng là hệ lụy của việc nhiều đầu mối thực hiện chính sách này…

Theo kế hoạch vừa được Thủ tướng ban hành, trước mắt sẽ tiến hành rà soát chính sách thuộc các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ về lao động - việc làm, hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ về thông tin và truyền thông và chính sách giảm nghèo nói chung.

Để việc rà soát, tích hợp chính sách, lồng ghép nguồn lực giảm nghèo hiệu quả, trước tiên phải có sự chuyển biến trong nhận thức của chính những người đề xuất, thực hiện chính sách, tránh tư tưởng cục bộ muốn giữ vai trò “chủ trì phân bổ ngân sách” của ngành mình. Việc xác định rõ vai trò chủ trì và các bên tham gia, có cơ chế phối kết hợp cụ thể ngay từ khâu lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đối với các chính sách được tích hợp và lồng ghép nguồn lực sẽ tăng hiệu quả nguồn nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo.

Minh Hoàng