Học giáo dục định hướng trước khi đi XKLĐ

Lao động chưa "mặn mà"

Chính sách hỗ trợ người đi XKLĐ của tỉnh xuất phát từ thực tế khi hàng năm có gần 27.000 lao động cần giải quyết việc làm. Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ vẫn còn nhiều hạn chế bởi người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác XKLĐ, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện cả tỉnh chỉ có 1 doanh nghiệp và khoảng 10 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành hoạt động trong lĩnh vực này nên việc quản lý cũng như đưa người tham gia XKLĐ có khó khăn. Để thu hút lao động tham gia xuất cảnh, một số doanh nghiệp khi tư vấn và tuyển lao động thường giới thiệu công việc nhàn hạ, dễ dàng, thu nhập cao, cuộc sống ổn định, có nơi ăn chốn ở… Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều lao động phải chấp nhận làm những công việc vất vả, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, không được hỗ trợ nơi ăn chốn ở, mức lương nhận được không tương xứng với sức lao động và như thỏa thuận trong hợp đồng…Khi xảy ra sự cố, nhiều doanh nghiệp không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Tâm lý của nhiều người lao động lại chỉ muốn làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức, nhưng những thị trường này lại đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn cao, số lượng tuyển ít. Nhiều thị trường lao động ở nước ngoài có mức lương không cao, cường độ làm việc nặng nhọc, công việc thay đổi thường xuyên nên người lao động còn e ngại, không muốn đi. Tình trạng lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, trả lương không tương xứng với sức lao động bỏ ra vẫn còn xuất hiện ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, một bộ phận lao động trình độ văn hóa thấp, hiểu biết chưa sâu, hạn chế về ngôn ngữ… nên chịu nhiều thiệt thòi trong mọi giao dịch luật pháp.

Những chính sách hỗ trợ thiết thực

Theo Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa thông qua, chính sách hỗ trợ XKLĐ sẽ tập trung hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và chi phí làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài; bên cạnh đó sẽ chú trọng công tác hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ xử lý rủi ro khi tham gia XKLĐ. Tổng kinh phí cho giai đoạn 2017-2020 khoảng trên 23,56 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 10,8 tỷ đồng.

Tại hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh công tác XKLĐ, ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, các thị trường như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... ngày càng khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng lao động. Người lao động ngoài sức khỏe, tay nghề, còn phải đáp ứng được các kỹ năng khác, như ngoại ngữ, ứng xử. Thế nên, chủ trương hỗ trợ lao động nâng cao tay nghề, ngoại ngữ là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Ngoài ra, các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần phối hợp với các trường nghề trong tỉnh để ít tốn kém trong giáo dục định hướng cho người lao động.

Tin vui cho người đi XKLĐ là tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động vay vốn đi XKLĐ tối đa 50 triệu đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người đi XKLĐ để khuyến khích người lao động hưởng ứng chương trình XKLĐ của tỉnh. Hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất, thân nhân của người có công với cách mạng được hỗ trợ cho mỗi người đi XKLĐ khoảng 10 triệu đồng. Riêng UBND huyện Phong Điền có chính sách hỗ trợ một lao động trên địa bàn đi XKLĐ là 7 triệu đồng.

Ông Đặng Văn Cường, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát cho hay: "Trước đây, nhiều lao động có nhu cầu đi XKLĐ không tiếp cận được với nguồn vốn vay do chi phí xuất cảnh thực tế của người lao động cao, trong khi mức vay chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Thị trường chất lượng cao có mức chi phí từ 100 - 150 triệu đồng/người. Nhiều gia đình không có tài sản đảm bảo để vay thế chấp. Thế nên thông tin tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân vay vốn cũng như xử lý rủi ro khi tham gia XKLĐ giúp họ yên tâm".

Toàn tỉnh đang đẩy mạnh chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sắp đến, tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh để chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công tác XKLĐ trên địa bàn với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng và các hội, đoàn thể.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội cho hay: "Thừa Thiên Huế chú trọng khai thác các thị trường tiếp nhận lao động mà tỉnh có lợi thế, trong đó tập trung XKLĐ theo các ngành nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, may mặc, chế biến thực phẩm, nông nghiệp ở thị trường Nhật Bản; các nghề chế tạo, điện, điện tử, đánh bắt gần bờ ở Hàn Quốc; công nhân nhà máy, khán hộ công bệnh viện ở Đài Loan và một số ngành nghề phục vụ ở các nước Trung Đông…".

Bài, ảnh: Huế Thu