Khi tắm suối cần cẩn trọng để tránh vắt, đỉa chui vào mũi

Ký sinh trong cơ thể người

Tranh thủ kỳ nghỉ hè, em N. V. C. (TP. Huế) được gia đình đưa đi chơi và tắm suối ở Phú Lộc. Sau mười ngày trở về nhà, C. bị vướng ở mũi, cảm giác khó thở, có lúc khạc ra máu tươi. Triệu chứng này cứ lặp đi lặp lại nhiều ngày sau đó. “Đi khám thì bác sĩ mới phát hiện ra một con đỉa sống ký sinh bên trong thanh quản, khi lôi ra nó vẫn còn sống. Nhìn thấy mà rùng mình”, ba em C. nhớ lại.

Một số trường hợp tương tự khác lại cho rằng họ bị viêm xoang nên đi mua thuốc để uống. Uống hoài không hết, vào bệnh viện mới phát hiện có dấu hiệu bất thường trong khoang mũi, đến lúc gắp được con đỉa ra mới giật mình. Như anh P. V. P. (huyện Phú Vang), sau chuyến đi tắm suối ở Quảng Bình phát hiện trong mũi có vấn đề, sau nhiều ngày tự mua thuốc về uống không khỏi mà biến chứng ngày càng nặng với các dấu hiệu khó chịu gia tăng, chảy máu mũi anh mới tìm đến bệnh viện. “Bác sĩ phát hiện có dị vật bên trong. Đến lúc gắp con đỉa từ mũi ra mà hoảng hồn và không biết nó chui vào từ khi nào, bởi lẽ mình chỉ tắm suối một chút rồi lên bờ và đâu thấy gì bất thường”, anh H. kể lại.

Nhiều em nhỏ trong quá trình vui chơi ở sông suối rất dễ bị đỉa, vắt chui vào bên trong cơ thể nhưng không phải hiện ngay được

Với nhiều người khác, may mắn hơn khi vừa phát hiện bám vào người đã kịp thời xử lý. Anh Đ.T.L kể từng leo núi ở Bạch Mã nguyên ngày đêm, về mới phát hiện con vắt bám ngay sau cổ. “May mà phát hiện kịp, chứ không nhiều khi nó chui vào lỗ tai thì không biết có chuyện chi xảy ra”, anh L. ám ảnh.

Các bác sĩ Khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, thỉnh thoảng tiếp nhận các ca bệnh đỉa sống ký sinh trong cơ thể, sống được ở bộ phận của hệ hô hấp. Đây là một dạng dị vật sống, rất khó phát hiện bằng mắt thường.

Tìm đến bác sĩ để được can thiệp kịp thời

Bác sĩ CK II Trần Phương Nam, Trưởng khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từng điều trị nhiều ca bị vắt, đỉa chui vào tai, mũi. Biểu hiện dễ thấy nhất là cảm giác nhột, ngọ nguậy trong họng, mũi; dần dần nghẹt thở, chảy máu mũi, khạc nhổ ra máu... Thường những người bệnh hay nhầm lẫn triệu chứng này với viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Đến khi vào bệnh viện, nội soi mới phát hiện ra đỉa, vắt trong mũi.

Theo bác sĩ Nam, môi trường mũi ẩm ướt nên vắt, đỉa thích nghi tốt. Đa số người bị vắt, đỉa chui vào thường tiếp xúc môi trường sông nước, ao hồ. “Khi vắt, đỉa chui vào thì rất nhỏ nên người bệnh khó phát hiện. Sau vài ngày ký sinh bên trong cơ thể, vắt, đỉa hút máu và to dần lên người bệnh mới biết. Khi hút máu, những con vật này còn tạo ra chất chống đông, khiến máu chảy liên tục. Rồi có trường hợp khi phát hiện ở mũi trái, nhưng gắp ra ở mũi phải. Thậm chí có người bị đỉa chui vào tận bàng quang khiến đi tiểu ra máu”, bác sĩ Nam kể lại về những trường hợp đã từng điều trị.

“Đỉa, vắt thường bám rất chặt, đôi khi thò ra ở mũi nhưng người bệnh không tài nào lôi ra được. Không nên tự ý đi mua thuốc, xử lý bằng dung dịch. Tốt nhất tìm đến bác sĩ để được tư vấn, can thiệp kịp thời”, bác sĩ Nam khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH