Ít tuyến đường được chiếu sáng nghệ thuật

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) hiện đang vận hành và quản lý hai tuyến đường có chiếu sáng nghệ thuật (CSNT) trên địa bàn TP. Huế. Đây cũng là hai tuyến đường duy nhất trên tổng số hàng trăm tuyến đường chính của Huế được đầu tư CSNT.

Chiếu sáng nghệ thuật ở đường Lê Lợi đoạn gần cầu Phú Xuân do doanh nghiệp đầu tư

Theo HEPCO, lý do Huế chưa có nhiều tuyến đường được CSNT, dù là thành phố festival, thành phố du lịch là thiếu kinh phí nên  một số tuyến đường buộc phải tiết giảm, cắt bớt bóng đèn chiếu sáng (theo kiểu so le) để giảm chi phí. Rất nhiều các đường kiệt cần được đầu tư chiếu sáng công cộng nhưng phải đợi thứ tự ưu tiên theo từng năm cũng vì eo hẹp nguồn vốn. Thế nên, việc CSNT có thể xem là chuyện xa xỉ khi ngay cả nhu cầu thiết yếu là chiếu sáng hàng ngày vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ.

Dù thế, hàng năm, UBND TP. Huế vẫn bố trí kinh phí khoảng trên 1 tỷ đồng dành cho CSNT để mỗi khi lễ tết hay những dịp quan trọng, những bóng đèn lung linh sắc màu được bật lên để điểm tô cho thành phố.

Điểm được chọn đặt các bóng đèn và dải đèn CSNT trên địa bàn TP. Huế là ở cửa ngõ phía Bắc trên tuyến đường Lê Duẩn và phía bờ Nam là ở đường Lê Lợi, đoạn từ cầu Phú Xuân đến ga Huế.

HEPCO đã đề xuất đầu tư chiếu sáng ở trục đường Hùng Vương và ở cửa ngõ phía Nam để trên các tuyến đường đầu tiên dẫn vào Huế, ít nhất bằng trực quan du khách có thể cảm nhận Huế về đêm không tẻ nhạt, song đến nay vẫn chưa có kinh phí thực hiện.

Kêu gọi có chọn lọc

Do nguồn lực hạn chế, HEPCO đã tham mưu với lãnh đạo TP. Huế phương án xã hội hóa chiếu sáng nghệ thuật trên địa bàn, kể cả với các công trình di tích lịch sử, văn hoá. Điều này đã được TP. Huế tính tới từ lâu và đang cân nhắc để lựa chọn doanh nghiệp (DN) phù hợp.

Theo ông Hùng Hữu Danh, Trưởng phòng Kỹ thuật HEPCO, xã hội hóa trong kêu gọi đầu tư CSNT là việc cần làm để Huế ngày càng có nhiều hơn những tuyến đường được chiếu sáng theo hướng thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc lựa chọn DN và mục đích chiếu sáng của DN cần được cân nhắc kỹ để tránh trường hợp DN quảng cáo sản phẩm gây phản cảm hoặc ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cần có sự thống nhất trong lựa chọn các phương án chiếu sáng, trong đó việc thiết kế bóng đèn, hoa văn chiếu sáng khá quan trọng.

Phòng Kỹ thuật HEPCO đề xuất, ở mỗi tuyến đường được đầu tư chiếu sáng nên tạo đặc trưng riêng bằng hệ thống bóng đèn led tiết giảm năng lượng, đồng thời chiếu sáng theo chủ đề riêng để tạo sự riêng biệt song vẫn đảm bảo sự đồng bộ trong toàn hệ thống CSNT, tránh mỗi nơi mỗi kiểu.

Việc kêu gọi CSNT cũng nên tập trung vào các tuyến đường lớn như Hùng Vương, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ, Đống Đa, các tuyến đường ở khu vực có nhiều khách du lịch và thời gian chiếu sáng nên kéo dài suốt đêm, nếu không duy trì được suốt tuần, ít nhất cũng phải một vài buổi trong tuần hoặc dịp cuối tuần khi lượng khách đến Huế dày hơn và và người Huế ra đường dạo phố nhiều hơn.

Vấn đề khác cần tính tới khi xã hội hóa đầu tư CSNT là vận hành và quản lý hệ thống chiếu sáng. Hiện nay, hầu hết các dự án CSNT do DN đầu tư đều tự lựa chọn đơn vị thực hiện và quản lý vận hành dẫn đến thiếu thống nhất.

Khi có sự cố xảy ra, cơ quan liên quan khó liên hệ với người có trách nhiệm để giải quyết, như sự cố chập điện ở hệ thống CSNT đường Lê Lợi, đoạn gần Khách sạn Morin trước đây. Khi nhận được phản ánh của người dân, mất khá nhiều thời gian mới liên hệ được với đơn vị quản lý vận hành.

Thực tế cho thấy, dù đơn vị nào đầu tư, song việc quản lý, vận hành nên giao cho một đơn vị có chuyên môn làm đầu mối để vừa dễ quản lý vừa thuận lợi xử lý các vấn đề phát sinh như cháy nổ, chập điện…

Bài, ảnh: Tâm Huệ