Thái Phiên - Trần Cao Vân là hai nhà yêu nước mà tên tuổi gắn với cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Việc bất thành, 2 ông bị bắt, đến ngày 17/5/1916 thì bị chính phủ "Bảo hộ" và Hình bộ Nam triều mang ra xử chém tại pháp trường An Hòa (nơi mà dân gian vẫn thường gọi là cống Chém) và chôn thi hài tại đây. Gần chục năm sau, năm 1925, bà Trương Thị Dương, người làng Hà Đồ, xã Quảng Phước (Quảng Điền), là đồng chí của 2 nhà yêu nước đã bí mật cất bốc và đưa di cốt 2 ông về chôn chung tại một ngọn đồi ở xã Thủy Xuân (nay là phường Thủy Xuân- TP. Huế). Ngày 14/7/1990, khu mộ của 2 nhà yêu nước đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Cách lăng mộ Thái Phiên- Trần Cao Vân không xa là lăng mộ Trần Thúc Nhẫn. Ông người làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Đỗ cử nhân dưới triều Tự Đức năm Đinh Mão (1867). Làm quan đến chức Tham tri bộ Lễ. Tháng 7 năm Quý Mùi (tháng 8 /1883), tàu chiến Pháp tiến vào cửa Thuận An, uy hiếp kinh thành Huế. Vua Hiệp Hòa sai ông làm trưởng đoàn đi thương thuyết với quân Pháp. Việc không thành, giặc đem tàu chiến vào đánh cửa Thuận An, từ ngày 15 đến ngày 18 /8 /1883 thì Trấn Hải Thành vỡ. Ngay hôm ấy Trần Thúc Nhẫn và Lâm Hoành đã gieo mình xuống sông tuẫn tiết. Thi hài ông được an táng tại làng Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (Phong Điền). Mộ chỉ đắp bằng đất đơn sơ. Năm 1940, ông được con cháu cải táng về nghĩa trang thuộc xã Quảng Thọ. Đầu năm 1986, tiếp tục được cải táng sang một ngọn đồi gần chùa Từ Hiếu, táng chung với vợ và được xây cất tử tế. Tháng 10/1994, lăng mộ Trần Thúc Nhẫn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích cấp quốc gia.
Tấm biển chỉ dẫn lối vào di tích lăng mộ Thái Phiên-Trần Cao Vân, Trần Thúc Nhẫn được dựng bên vệ đường Lê Ngô Cát, khu vực cổng chùa Châu Lâm (kiệt số 54). Đây là lối vào gần và tiện lợi nhất. Tuy nhiên, như đã nói, không rõ cơn cớ làm sao mà gần đây tấm biển bị gãy đôi, phần bảng ghi nội dung chỉ dẫn bị đứt lìa, được ai đó kéo vào gác tạm ở hàng rào, trông xiêu vẹo, tạm bợ rất tội nghiệp. Chính quyền địa phương hình như cũng chẳng báo, cơ quan quản lý dường như cũng chẳng hay nên bao nhiêu lần lại qua thấy tấm biển vẫn lặng lẽ nằm vậy. Đường Lê Ngô Cát là tuyến đường du lịch trọng điểm, du khách hẳn sẽ rất buồn lòng khi thấy cảnh tượng vừa kể.
Hy Khả