Đầu năm 1945, do chính sách vơ vét lúa gạo của Nhật,  khiến hàng triệu đồng bào ta bị chết đói, người đi ăn xin khắp nơi. Nạn đói cùng với sự bóc lột, đè nén của thực dân  Pháp và phát xít Nhật làm cho cuộc sống người dân trong cả nước nói chung và ở Hương Trà nói riêng hết sức khó khăn, điêu đứng.

Ông Liêm và vợ nhớ lại những ngày cách mạng tháng Tám thành công

Lúc đó, chàng thanh niên 19 tuổi Hồ Chí Liêm đang sinh sống tại làng Long Khê thuộc tổng Phú Ốc với tinh thần yêu nước và được sự giác ngộ của cách mạng thông qua đồng chí Trần Mai (còn có tên gọi là Trần Đăng Mai, cán bộ Việt Minh phụ trách địa bàn tổng Phú Ốc) đã tích cực vận động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi cứu đói, xây dựng Mặt trận Việt Minh, tổ chức tự vệ ở làng.

Ông Liêm nhớ lại: “Lúc đó, đội tự vệ ở thôn Long Khê (xã Hương Vân) mới được thành lập gồm 12 người, do đồng chí Hồ Tiếp làm đội trưởng. Đội được trang bị 10 cây giáo và 2 cây mã tấu, ai nấy đều quyết tâm luyện tập chờ ngày khởi nghĩa. Dù không khí cách mạng lúc ấy đã sôi sục, nhưng công tác chuẩn bị khởi nghĩa vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Sau khi nhận được lệnh của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh, khuya ngày 19/8, những người tham gia khởi nghĩa mới được thông báo giờ giấc tiến hành khởi nghĩa. Ngày 20/8, người dân quê tôi khí thế bừng bừng, vũ trang bằng gươm giáo vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập đồng minh muôn năm”… và làng Lại Bằng đã khởi nghĩa lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Hương Trà, tiếp đến là làng Long Khê, Sơn Công, Lai Thành ở tổng Phú Ốc”.

Một điều thú vị trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền mà ông Liêm nhớ mãi, đó là ngày khởi nghĩa ở tổng Phú Ốc quê ông trùng với ngày tế thần trong tổng. Sau khi tế thần xong, người dân đưa xôi, thịt vừa cúng tiếp tế cho những người tham gia khởi nghĩa thành công. Vừa đói, vừa mệt, có được đồ tiếp tế, mọi người vô cùng phấn khởi, vừa ăn uống vừa bàn tán rôm rả, không khí vui như ngày hội.

“Trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền, nhiệm vụ của tôi là đi vận động lý trưởng, hương lý, hương bộ trong làng giao lại hồ sơ tài liệu, dấu triện cho Ủy ban cách mạng lâm thời. Do lý trưởng, hương bộ là bà con trong họ với tôi và trước đó họ đã phần nào giác ngộ cách mạng nên việc vận động diễn ra thuận lợi. Lý trưởng, hương bộ làng Long Khê nhanh chóng giao nộp hồ sơ tài liệu, dấu triện, đồng thời tích cực tham gia vào Ủy ban cách mạng lâm thời của thôn Long Khê. Sau khi giành chính quyền thành công, tôi cùng mọi người suốt đêm không ngủ, chỉnh đốn lại lực lượng chờ lệnh đi cướp chính quyền ở huyện và tỉnh” – ông Liêm tâm sự.

Đêm 22/8, ông Liêm cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn Hương Trà mang băng cờ, khẩu hiệu, tiến về bao vây quận lỵ Hương Trà. Đúng 6 giờ sáng ngày 23/8/1945, hoảng sợ trước khí thế cách mạng dâng cao, Huyện trưởng huyện Hương Trà Nguyễn Xuân Đương và toàn bộ cơ quan huyện Hương Trà đã chuẩn bị sẵn hồ sơ tài liệu, vũ khí và công quỹ để giao nộp cho chính quyền cách mạng. Trong giờ phút ấy, ông Liêm sung sướng đến nghẹn ngào. Giấc mơ quê hương được tự do, độc lập mà bao lâu nay ông hằng mơ giờ đã trở thành hiện thực.

Bằng những nỗ lực hết mình trong công việc, ngày 11/11/1948, ông Liêm vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại chiến khu Dương Hòa (Hương Thủy). Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sau đó gia nhập Tiểu đoàn 2 – Trung đoàn 269 trở lại chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Sau ngày đất nước thống nhất, ông từng làm Trưởng ban Quân sự, Trưởng ban An ninh và Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hương Trà. Trong quá trình công tác, ông đã nhận được rất nhiều bằng khen, huân, huy chương của Đảng và Nhà nước. Năm 1978 ông nghỉ hưu.

Bài, ảnh: Hào Vũ